Hoàng Su Phì nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn
BHG - Hiện nay, diện tích chè của huyện Hoàng Su Phì có trên 4.500 ha; trong đó, hơn 3.000 ha cho thu hoạch, tổng sản lượng chè búp tươi ước đạt trên 20.000 tấn. Diện tích chè của huyện được trồng chủ yếu tại 8 vùng chè, như: Nậm Ty, Thông Nguyên, Túng Sán, Tả Sử Choóng… Trong đó, trên 90% diện tích chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm. Xác định chè cổ thụ có độ tuổi hàng trăm năm là nguồn gen quý cần được bảo tồn, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng triển khai công tác bảo tồn, cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè theo hướng an toàn.
Người dân thôn Phìn Hồ, xã Thông Nguyên thu hái chè. |
Mô hình được thực hiện bởi Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Hoàng Su Phì, UBND xã Thông Nguyên và 35 hộ dân thôn Phìn Hồ, Nậm Hồng, diện tích thực hiện 10 ha. Tham gia thực hiện mô hình, các hộ dân được tập huấn kỹ thuật cải tạo, nâng cao năng suất, chất lượng chè cổ thụ theo hướng an toàn theo hình thức “cầm tay chỉ việc”; được được hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ sinh học theo hình thức có hoàn lại. Theo khuyến cáo, do đây là phân hữu cơ vi sinh nên không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, do phân bón giúp bổ sung chất hữu cơ, mùn và các chủng vi sinh vật hữu ích giúp cải tạo đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, tăng số lượng vi sinh có lợi trong đất mà không tác dụng trực tiếp lên cây như các phân bón vô cơ khác.
Sau hơn 5 tháng triển khai, diện tích chè cổ thụ thực hiện quy trình cải tạo, thâm canh theo hướng an toàn phát triển tốt, số lượng búp thu hoạch nhiều hơn, số lần hái/năm tăng từ 3 lần lên 5 lần, màu sắc đẹp và chất lượng búp chè được nâng lên, sản lượng búp tươi thu được bình quân đạt trên 35 tạ/ha, cao hơn so với các diện tích chè cổ thụ thông thường từ 10 – 15 tạ/ha/năm.
Đồng chí Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì, cho biết: Hoàng Su Phì có diện tích chè rất lớn, nhưng do nhiều hạn chế về cách chăm sóc, thu hái nên sản lượng chưa cao, thu nhập từ trồng chè không ổn định. Chính vì vậy, sau khi tổng kết mô hình, huyện sẽ tổ chức cho nhân dân các xã vùng chè đến tham quan, học tập về triển khai tại địa phương, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của cây chè cổ thụ trên địa bàn của huyện theo hướng an toàn.
Bài, ảnh: ĐỨC LONG (Hoàng Su Phì)
Ý kiến bạn đọc