Đồng Văn nhân rộng các thôn phát triển toàn diện
BHG - Sau khi thực hiện thành công Đề án “Mỗi huyện một xã, mỗi xã một thôn” điển hình về phát triển kinh tế. Hiện, 19/19 xã, thị trấn của huyện Đồng Văn đã có những thôn phát triển toàn diện về mọi mặt; tạo hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phong trào xây dựng quê hương trong nhân dân. Đến nay, mỗi xã không chỉ có 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế mà số lượng đã được nhân lên 2 đến 3 thôn. Nhờ chiến lược đẩy mạnh phát triển và nhân rộng các thôn phát triển toàn diện trên địa bàn huyện của cấp ủy, chính quyền địa phương, bộ mặt nông thôn vùng cao Đồng Văn ngày càng khởi sắc.
Thu nhập từ trồng rau bắp cải mang lại kinh tế ổn định cho người dân thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng. |
Để thực hiện có hiệu quả phong trào phát triển các thôn điển hình, toàn diện, huyện đã đẩy mạnh phát triển đồng đều về mọi mặt: Kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với xây dựng Nông thôn mới (NTM). Việc lựa chọn các thôn điển hình không tràn lan, lấy số lượng mà căn cứ vào nội lực, tình hình thực tế tại địa phương; định hướng, chọn ra những thế mạnh của từng thôn để tập trung phát triển.
Thôn Séo Lủng B, xã Sảng Tủng là một trong những thôn phát triển toàn diện của xã. Toàn thôn có 67 hộ với 100% đồng bào dân tộc Mông. Trước đây, đời sống của bà con trong thôn còn nhiều khó khăn do vẫn giữ phương thức canh tác truyền thống trồng ngô 1 vụ. Những năm gần đây, nhờ có sự định hướng đúng đắn của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự chăm chỉ, chịu khó của bà con trong thôn, nhiều hộ đã mạnh dạn chuyển đất trồng ngô sang trồng rau bắp cải, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện, trong thôn có hơn 30 hộ trồng rau bắp cải chuyên canh. Anh Vừ Sìa Say, Trưởng thôn Séo Lủng B cho biết: “Thôn Séo Lủng B được ưu ái có khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm nên rất thích hợp trồng rau bắp cải, đặc biệt là bắp cải trái vụ. Nhiều năm trước đây, bà con cũng đã trồng nhưng với diện tích nhỏ để phục vụ nhu cầu gia đình. Sau khi được hỗ trợ quảng bá sản phẩm đi các xã, huyện và tại Hà Nội, số lượng tiêu thụ lớn hơn, mang lại thu nhập cao hơn gấp 3 lần so với trồng ngô; bà con trong thôn đã mạnh dạn chuyển phần lớn diện tích đất để trồng bắp cải. Đặc biệt, đây là sản phẩm nông nghiệp sạch nên đầu ra luôn đảm bảo ổn định. Đến nay, 30 hộ trồng rau bắp cải chuyên canh của thôn có thu nhập trung bình 15 triệu đồng/tháng”.
Đồng chí Vũ Ngọc Hải, Bí thư Đảng ủy xã Sảng Tủng, cho biết: “Thôn Séo Lủng B không chỉ là thôn phát triển kinh tế nổi bật của xã mà còn là thôn điểm của cả huyện về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Các dòng họ trong thôn đã thực hiện nghiêm việc đưa người mất vào áo quan; nhiều năm gần đây không xảy ra trường hợp tảo hôn, kết hôn cận huyết. Từ sự phát triển của thôn Séo Lủng B, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch cụ thể để nhân rộng ra nhiều thôn khác trong xã, từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM, đưa kinh tế xã ổn định, bền vững”.
Thực tế, tại các xã trên địa bàn huyện Đồng Văn, các thôn phát triển toàn diện đang ngày càng được nâng cao cả về chất lượng và số lượng. Các thôn như: Thôn Đoàn Kết, xã Sủng Là, thôn Thài Phìn Tủng, xã Thài Phìn Tủng; thôn Séo Lủng A, B xã Sảng Tủng… và nhiều thôn khác đã và đang được triển khai xây dựng trở thành thôn phát triển toàn diện, từng nâng cao chất lượng đời sống cho người dân. Tuy nhiên, để thực hiện thực sự có hiệu quả cần sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cùng chung sức. Đối với mỗi thôn, lãnh đạo địa phương cần định hướng cho nhân dân phát huy được thế mạnh của mình, phát triển kinh tế hoặc phát triển du lịch sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, sự đồng lòng, quyết tâm và nỗ lực từ người dân là nội lực quan trọng nhất. Hy vọng rằng, thời gian tới, các thôn phát triển toàn diện trên địa bàn huyện Đồng Văn sẽ tiếp tục có những bước đột phá mới, đời sống người dân được nâng lên, từng bước thay đổi bộ mặt NTM vùng cao.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc