Dấu ấn Agribank trong xây dựng Nông thôn mới
BHG - Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), diện mạo nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng. Trong thành tựu ấy, nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Hà Giang (Agribank Hà Giang) đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển KT – XH của địa phương.
Từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi bò hàng hóa. |
Để thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng NTM, tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù; trong đó có nhiều chính sách khuyến khích người dân đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập như: Nghị quyết số 209, 86, 29 của HĐND tỉnh; chương trình xây dựng NTM; chương trình tiếp sức khởi nghiệp; đề án đầu tư tín dụng cho hợp tác xã sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; đề án vay vốn tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đối với cá nhân thông qua tổ liên kết. Bên cạnh đó, Agribank Hà Giang còn tích cực triển khai nguồn vốn tín dụng theo các chương trình, quyết định của Chính phủ và Agribank Việt Nam về “tam nông”.
Là ngân hàng thương mại với phần lớn dư nợ thuộc lĩnh vực nông nghiệp, để thực hiện hiệu quả chỉ đạo của Agribank Việt Nam và UBND tỉnh về triển khai các gói tín dụng cho người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; Agribank Hà Giang đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tiết giảm thủ tục vay vốn cho phù hợp đặc thù sản xuất nông nghiệp và trình độ của người dân khu vực nông thôn; đa dạng hóa sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn vay của người dân; mở rộng điểm giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; triển khai điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đưa vốn đến tận người vay một cách hiệu quả nhất. Agribank Hà Giang còn phối hợp với Văn phòng Xây dựng NTM và các ngành, địa phương cập nhật thông tin về tiến độ thực hiện chương trình xây dựng NTM tại các xã; đồng thời nắm bắt nhu cầu vốn tín dụng và xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quan hệ vay vốn giữa khách hàng và Agribank. Qua đó, nguồn vốn tín dụng của Agribank Hà Giang đã đến được với khách hàng và phát huy hiệu quả.
Tính đến hết tháng 9, dư nợ cho vay theo Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh đạt 478.692 triệu đồng với 5.698 khách hàng; dư nợ cho vay theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh là 11.061 triệu đồng với 51 khách hàng; cho vay chương trình thanh niên khởi nghiệp 215.379 triệu đồng với 1.339 khách hàng; cho vay đối doanh nghiệp, HTX đầu tư phát triển cây dược liệu 345 triệu đồng; cho vay HTX theo Quyết định số 2204/QĐ-UB của UBND tỉnh là 20.144 triệu đồng với 13 khách hàng; cho vay cá nhân thông qua tổ liên kết theo Quyết định số 2205/QĐ-UBND 2.521.898 triệu đồng với 1.291 tổ vay vốn, 20.296 thành viên.
Bên cạnh đó, Agribank Hà Giang còn triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng của Chính phủ và của Agribank như: Dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55 và Nghị định 116 của Chính Phủ là 4.795.614 triệu đồng với 27.572 khách hàng; cho vay chăn nuôi lợn, gia cầm và chế biến thịt lợn, gia cầm 103.217 triệu đồng với 757 khách hàng; cho vay nông nghiệp sạch 5.932 triệu đồng với 73 khách hàng.
Có thể thấy, Agribank là ngân hàng thương mại tiên phong, chủ lực, ưu tiên triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững. Từ nguồn vốn tín dụng của Agribank, người dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh; đặc biệt đối với một số cây, con chủ lực của địa phương như: Chè, cam, dược liệu; chăn nuôi trâu, bò, ong, lợn, gia cầm, dê. Ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả với thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm; từng bước hình thành các vùng sản xuất chuyên canh hàng hóa, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM. Đến nay, toàn tỉnh đã có 33 xã đạt chuẩn NTM; dự kiến hết năm 2019, có thêm 5 xã đạt chuẩn và không còn xã dưới 7 tiêu chí. Giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh giảm được 18.230 hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều), tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 43,65% xuống còn 31,17%.
Ngoài ra, Agribank Hà Giang tích cực hỗ trợ các địa phương, đặc biệt là xã khó khăn do cơ quan phụ trách đầu tư xây dựng điểm trường, trạm y tế, nhà văn hóa, làm đường giao thông nông thôn…; giúp các địa phương từng bước hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc