Xã Hồ Thầu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp
BHG - Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới và phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn mang thương hiệu của địa phương; thời gian qua, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã triển khai nhiều biện pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển những cây trồng và vật nuôi thế mạnh của địa phương như chè, Thảo quả và cây dược liệu; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê và ong mật nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng hàng hóa.
Lãnh đạo xã Hồ Thầu kiểm tra chất lượng tinh dầu Thảo quả. |
Từ các cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung chỉ đạo người dân đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao vào gieo trồng. Xã Hồ Thầu đã gieo cấy hơn 150 ha lúa, sử dụng các loại giống lúa thuần chất lượng cao với năng suất trung bình 58,5 tạ/ha, sản lượng gần 900 tấn; gần 200 ha ngô, 160 ha đậu tương, 30 ha lạc... từ đó góp phần đảm bảo an ninh lương thực và có sản phẩm cung cấp ra thị trường. Bước đầu xã đã triển khai hiệu quả một số mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hoá, như: Thử nghiệm trồng dược liệu tại khu vực thôn Chiến Thắng và thôn Tân Phong; phát triển vùng chè hữu cơ tại các thôn Tân Phong, Quang Vinh; các mô hình nuôi gà, dê và ong mật; tập trung phát triển diện tích Thảo quả gắn với trồng rừng.
Công tác trồng và sản xuất chè được tái cơ cấu theo hướng gắn nông dân với doanh nghiệp thông qua hợp đồng, hợp tác kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm nên đã hạn chế được tình trạng khó khăn về đầu ra. Hiện nay, các doanh nghiệp, HTX chế biến chè đều ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với bà con, sản lượng bình quân trên 1.400 tấn/năm. Cây chè đã trở thành sản phẩm hàng hóa chủ lực của địa phương với chất lượng ngày càng cao, mẫu mã sản phẩm đa dạng. Cùng với chè, cây Thảo quả cũng được quan tâm, chú trọng, diện tích trên 420 ha; trong đó, 300 ha cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 136 tấn/năm. Với sản lượng ổn định và giá trị kinh tế cao, nhiều người dân địa phương đang thử nghiệm chưng cất tinh dầu Thảo quả, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế.
Phát triển chăn nuôi cũng được quan tâm chỉ đạo theo hướng bền vững. Công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm được người dân chủ động thực hiện; nhận thức của người chăn nuôi từng bước được nâng lên, người dân đã quan tâm làm chuồng trại, trồng cỏ, dự trữ thức ăn nên đã hạn chế tình trạng gia súc chết rét trong mùa Đông.
Đồng chí Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, người dân đã chủ động tìm hiểu và ứng dụng tiến bộ KHKT, chủ động đưa giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; ưu tiên phát triển các loại cây, con đặc sản, có lợi thế. Thời gian tới, cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ tích cực đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm để nâng cao giá trị nông sản; giúp đỡ, hỗ trợ nhân dân xây dựng nhãn mác, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp và phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
Bài, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc