Tín hiệu vui trong hoạt động xuất khẩu gỗ ván ép của Công ty Thái Hoàng

17:10, 16/09/2019

BHG - Công ty Cổ phần Xây dựng & Thương mại Tổng hợp Thái Hoàng (Công ty Thái Hoàng) đầu tư khoảng 40 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất gỗ ván ép cao cấp xuất khẩu tại Cụm công nghiệp Nam Quang (Bắc Quang). Đến nay, Công ty Thái Hoàng đã hoàn thiện việc xây dựng nhà máy và tuyển dụng, đào tạo nghề cho 200 công nhân. Từ tháng 6.2019, nhà máy sản xuất gỗ ván ép bắt tay vào sản xuất và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Sản xuất ván ép tại nhà máy của Công ty Thái Hoàng - Cụm Công nghiệp Nam Quang.
Sản xuất ván ép tại nhà máy của Công ty Thái Hoàng - Cụm Công nghiệp Nam Quang.

Được khởi công xây dựng từ tháng 3.2017, sau gần 2 năm khẩn trương thi công xây lắp, Công ty Thái Hoàng cơ bản đã hoàn thiện toàn bộ nhà xưởng với hàng ngàn m2; đồng thời lắp ráp đồng bộ 3 hệ thống máy móc hiện đại với công suất 3.000 m3 ván ép cao cấp/tháng. Đầu tháng 6.2019, Công ty Thái Hoàng chính thức đưa nhà máy đi vào sản xuất; sau hơn 2 tháng đi vào sản xuất, những lô hàng ván ép chất lượng cao đầu tiên được xuất khẩu thẳng vào thị trường Mỹ với giá bán bình quân khoảng 450 USD/m3. Sau những chuyến hàng đầu tiên xuất vào thị trường khó tính nhất đã được khách hàng ghi nhận, đánh giá cao về chất lượng sản phẩm. Phó Giám đốc điều hành Công ty Thái Hoàng, Nguyễn Ngọc Thịnh cho biết: “Lô hàng đầu tiên xuất khẩu trực tiếp vào thị trường khó tính nhất toàn cầu suôn sẻ đã đánh dấu bước đi đúng hướng,  bởi Công ty Thái Hoàng là doanh nghiệp đầu tư thuộc giai đoạn sau vào Cụm Công nghiệp Nam Quang nhưng đã dám tiên phong xây dựng nhà máy sản xuất ván ép cao cấp đầu tiên tại Hà Giang để xuất khẩu thẳng sản phẩm có nguồn gốc địa phương sang Hoa Kỳ. Mới đây nhất, Công ty tiếp tục xuất khẩu trực tiếp lô hàng ván ép cao cấp thứ 2 vào thị trường Nhật Bản, EU. Hiện tại, Công ty Thái Hoàng đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vào Mỹ, Nhật, EU tạo đủ việc làm cho công nhân từ nay đến hết năm 2019. Ban lãnh đạo Công ty Thái Hoàng và toàn bộ đội ngũ công nhân đang làm việc tại nhà máy vui lắm”.

Chung vui cùng doanh nghiệp, chúng tôi đã tới khảo sát và đánh giá thực tiễn hoạt động sản xuất của nhà máy. Trao đổi với anh, chị em công nhân, chúng tôi nhận thấy không khí lao động tại các phân xưởng hết sức sôi động. Lương những tháng đầu tiên, mỗi công nhân được nhận về từ 4,5 – 6,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện tại, công nhân trong nhà máy thực hiện làm việc 3 ca/ngày đêm. Anh, chị em công nhân vào làm việc tại nhà máy được ký hợp đồng lao động theo đúng quy định của pháp luật; công nhân được hỗ trợ đầy đủ quần, áo bảo hộ và tiền ăn ca. Tất cả công nhân làm việc trong nhà máy được giao khoán sản xuất từng sản phẩm. Giá trị ngày công lao động được tính theo giá trị sản phẩm công nhân trực tiếp làm ra theo nguyên tắc: Làm được nhiều hưởng nhiều và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của chính họ. Việc khoán sản phẩm đến người lao động đã tạo thêm động lực để người lao động phấn đấu và được hưởng những thành quả lao động do chính họ làm ra. Tuy nhiên, những công nhân vào làm việc tháng đầu tiên tại nhà máy còn bỡ ngỡ sẽ được Công ty ưu tiên cử người hướng dẫn trực tiếp và được hưởng mức lương tập sự là 3 triệu đồng/tháng. Sau 3 tháng làm việc, Công ty sẽ sát hạch tay nghề rồi mới áp dụng cơ chế khoán sản phẩm đến người lao động để họ phát huy khả năng của mình. Và đó cũng là cách để Công ty Thái Hoàng khuyến khích cho những công nhân có trình độ chuyên môn và tay nghề giỏi được phát huy; nhằm đem lại lợi ích cho chính họ và làm gia tăng lợi ích cho doanh nghiệp.

Việc Công ty Thái Hoàng xuất khẩu trực tiếp gỗ ván ép cao cấp có nguồn gốc sản xuất tại Cụm công nghiệp Nam Quang vào thị trường Mỹ, Nhật, EU đã mở ra nhiều cơ hội cho cả doanh nghiệp và người dân trong tỉnh. Cơ hội đó là triển vọng để thúc đẩy phát triển nghề trồng rừng sản xuất tại Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên và các khu vực lân cận như: Tuyên Quang, Yên Bái... Ván ép làm bằng gỗ rừng trồng có nguồn gốc tại Bắc Quang, Hà Giang xuất khẩu thẳng vào các thị trường khó tính sẽ làm thay đổi tư duy người dân vùng nguyên liệu để người dân yêu rừng hơn, chăm chút giữ rừng, trồng rừng. Bên cạnh đó còn giải quyết tối đa lực lượng lao động tại chỗ, hỗ trợ công tác an sinh xã hội vì lợi ích lâu dài của chính người dân và lợi ích bền vững vì mục tiêu phát triển xanh của đất nước...

 Tuy nhiên, điều nhận thấy khi nhà máy sản xuất ván ép cao cấp xuất khẩu của Công ty Thái Hoàng có công suất khoảng 36.000 – 40.000 m3 ván/năm cần một vùng nguyên liệu rất lớn. Cần hết sức tránh tình trạng nhà máy phải “ăn đong” nguyên liệu hoặc cạnh tranh vùng nguyên liệu giữa các cơ sở thu mua, chế biến gỗ rừng trồng trên cùng một địa bàn dân cư. Và một khó khăn tiềm tàng không thể không đề cập, đó là chưa có Chứng chỉ vùng nguyên liệu (FSC). Nếu không có Chứng chỉ phát triển bền vững rừng thì rất khó lòng xuất khẩu được vào các thị trường Âu, Mỹ, Nhật khi các quy định thương mại được siết chặt. Vì vậy, việc tạo cơ chế để doanh nghiệp bắt tay liên kết chặt chẽ với nông dân trồng rừng là hết sức cần thiết. Một khó khăn nữa mà Công ty Thái Hoàng đề cập tới đó là cần thêm mặt bằng để mở rộng nhà máy, nhất là mở rộng khu vực sơ chế nguyên liệu, mở rộng phân xưởng sản xuất và kho bãi lưu trữ sản phẩm, lưu trữ hàng hoá trước khi xuất khẩu… Giải quyết được những băn khoăn trên sẽ giúp Công ty, nhà máy phát triển ổn định lâu dài.

Bài, ảnh: Nguyễn Hùng


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Agribank Hà Giang tập huấn nghiệp vụ công tác tín dụng

BHG - Sáng 14.9, tại Hội trường Khách sạn Hà An, Agribank Chi nhánh tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị tập huấn nghiệp vụ tín dụng cho hơn 270 cán bộ, nhân viên trong toàn Chi nhánh và các văn phòng giao dịch trực thuộc.

15/09/2019
Kiểm tra, đánh giá việc chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Quản Bạ

BHG - Ngày 13.9, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) giai đoạn 2013 - 2019 trên địa huyện Quản Bạ. Việc kiểm tra thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 2791/UBND-KTTH, ngày 5.9.2019.

14/09/2019
Nông dân xã Phương Độ thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

BHG - Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi được Hội Nông dân xã Phương Độ (thành phố Hà Giang) triển khai thực hiện sâu rộng, với nhiều mô hình sản xuất hiệu quả; nhiều hội viên nông dân đã tích cực phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống và vươn lên làm giàu.

 

13/09/2019
Xã Hồ Thầu thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

BHG - Triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới và phát triển các sản phẩm nông nghiệp an toàn mang thương hiệu của địa phương; thời gian qua, xã Hồ Thầu (Hoàng Su Phì) đã triển khai nhiều biện pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Trong đó, tập trung phát triển những cây trồng và vật nuôi thế mạnh của địa phương như chè, Thảo quả và cây dược liệu...

13/09/2019