Biến đất nghèo kiệt thành vùng nguyên liệu mía đường
BHG - Chỉ trong 10 ngày (từ 20.3 đến 30.3), 10 ha đất hoang hóa, nghèo kiệt chỉ mọc được cây sim, mua, lau lách tại thôn Minh Thành, xã Trung Thành (Vị Xuyên) đã được trồng giống mía QĐ93159; đây là giống mía nguyên liệu đường mới cho năng suất cao có nguồn gốc từ Trung Quốc. Sau gần 7 tháng trồng, chăm sóc; vùng mía này đã sinh trưởng và phát triển tươi tốt, không phát hiện sâu bệnh, hứa hẹn cho một mùa thu hoạch và mang lại nguồn thu nhập khá cho người trồng mía.
Lãnh đạo huyện Vị Xuyên kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cây mía. Ảnh: AN DƯƠNG |
Được biết, đây là mô hình của UBND xã nhằm phục hóa diện tích đất nghèo kiệt dinh dưỡng, hoang hóa, bỏ không nhiều năm không canh tác được các loại cây trồng. Với 10 ha đất trên, xã đã liên kết với Công ty Thủy Vĩnh Bảo (Thanh Thủy, Vị Xuyên) để trồng mía nguyên liệu đường xuất khẩu sang Nhà máy đường Anh Mậu, huyện Châu Vân Sơn, tỉnh Vân Nam - Trung Quốc. Diện tích trồng mía được liền vùng, liền khoảnh với địa hình khá bằng phẳng, xen lẫn đồi gò thấp nên rất thuật tiện trong việc làm đất bằng máy nông nghiệp cỡ lớn; cũng như việc trồng và chăm sóc. Khái quát lại những giá trị và thuận lợi trong việc triển khai thực hiện mô hình, đồng chí Khổng Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: Mô hình đã tận dụng được đất xấu, đất ít màu để trồng mía đường nguyên liệu, không để đất bị hoang hóa và sử dụng được cơ giới hóa trong khâu làm đất, thu hoạch; giảm chi phí làm đất, tăng năng suất cây trồng và có sự liên kết bao tiêu sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp. Doanh nghiệp ký bao tiêu sản phẩm cho người dân trong vòng 4 năm, giá đảm bảo từ 1.000 – 1.200 đồng/kg. Thu nhập ổn định bình quân 100 triệu đồng/ha/năm, trừ tất cả chi phí sẽ mang lại lợi nhuận bình quân 50 triệu đồng/ha/năm. Người dân được học quy trình KHKT tiên tiến trong phát triển cây trồng công nghiệp của nước bạn. Việc trồng mía ít sâu bệnh, mất ít thời gian chăm sóc, trồng 1 năm thu 4 năm và tận dụng được nguồn lá mía trong cả năm và đặc biệt là ngọn mía vào mùa Đông để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, hươu; đồng thời thu lại nguồn ngoại tệ cho tỉnh trong thời gian tới thông qua hoạt động xuất khẩu…
“Đây là hướng đi mang tính đột phá của xã Trung Thành, thông qua việc liên kết với doanh nghiệp, tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ KHKT đã biến những diện tích đất nghèo kiệt, thiếu dinh dưỡng thành tiềm năng phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân. Đây cũng là tiền đề để các xã, thị trấn mạnh dạn sử dụng diện tích đất canh tác nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng các loại cây công nghiệp phù hợp. Qua đây, người dân cũng được nâng cao trình độ, nhận thức trong việc canh tác trên vùng đất hoang hóa…”. Đó là lời chia sẻ của đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên khi đến kiểm tra tiến độ chăm sóc vùng mía nguyên liệu này.
Đến tháng 12 tới, diện tích mía trên sẽ cho thu hoạch; dựa trên quy trình chăm sóc và tuân thủ đúng kỹ thuật, cây mía phát triển và sinh trưởng mạnh, không nhiễm sâu, bệnh hại… Công ty Thủy Vĩnh Bảo cũng như Nhà máy đường Anh Mậu đánh giá rất cao về chất lượng của vùng nguyên liệu này và khẳng định năng suất sẽ đạt ở mức 100 - 120 tấn/ha; đồng nghĩa với việc người trồng mía sẽ có thu nhập từ 1 tỷ đến 1,2 tỷ đồng trên diện tích 10 ha.
TỔNG VĂN QUYẾT (Trường Chính trị tỉnh)
Ý kiến bạn đọc