Sủng Chớ ngày càng đổi thay
BHG - Sau hơn 3 năm, những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi (PV) có dịp trở lại Sủng Chớ - thôn khó khăn nhất của xã Sủng Cháng (Yên Minh). Thật mừng khi có nhiều tín hiệu cho thấy bà con nơi đây đang từng ngày có cuộc sống tốt hơn, nhận thức nâng lên rõ rệt.
Con đường về Sủng Chớ còn rất khó khăn. |
Thôn Sủng Chớ được chia làm 2 nhóm hộ Sủng Chớ A và Sủng Chớ B. Nhóm ở Sủng Chớ A cách trung tâm xã khoảng 8 km, Sủng Chớ B cách 6 km. Tuyến đường từ trung tâm xã đến Sủng Chớ hiện chỉ có hơn 1km đã được bê tông hóa, còn lại vẫn là đường đất, đá. Vì vậy, đến Sủng Chớ, nếu đi xe máy cũng phải mất gần một giờ đồng hồ, còn đi bộ sẽ mất thời gian gấp đôi. Với người dân Sủng Chớ, có một con đường giao thông đi lại thuận tiện vẫn là niềm mơ ước của bao thế hệ nơi đây.
Năm 2016, nhớ lần đầu tiên đến với Sủng Chớ, ngoài tuyến đường rất khó đi bởi phần lớn phải vừa đi vừa đẩy xe, những gian nhà lớp học ở điểm trường Sủng Chớ B khiến chúng tôi không thể nào quên. Hai dãy nhà lớp học Mầm non và Tiểu học được trình tường bằng đất đã xuống cấp nghiêm trọng; nền nhà không được láng xi măng, không có cửa, học sinh cũng chủ yếu đi chân đất nên bàn ghế, sách vở lấm lem bụi đất; mái nhà lợp brô – xi măng chỉ trực chờ rơi xuống bất cứ lúc nào… Nhờ sự chia sẻ, hỗ trợ xây dựng của Đoàn từ thiện Hà Nội, cuối năm 2016, điểm trường này được khánh thành trước sự vui mừng phấn khởi của người dân trong thôn và cán bộ, giáo viên xã Sủng Cháng. Nhờ ý thức giữ gìn tài sản chung của người dân và học sinh ngày càng được nâng lên nên cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ở điểm Sủng Chớ B được bảo quản tốt và là một trong những điểm trường khang trang nhất xã. Tỷ lệ huy động trẻ đến lớp đạt gần 100%.
Nhận thức và đời sống của người dân Sủng Chớ đã thay đổi nhiều so với trước. (Trong ảnh: Một hộ dân đang xây dựng nhà kiên cố thay cho ngôi nhà cũ xuống cấp trước đây). |
Bí thư Chi bộ thôn Sủng Chớ, Thàng Nhè Páo, cho biết: Những năm gần đây nhận thức của nhân dân trong thôn đã được nâng lên nhiều. Với 100% người dân là dân tộc Mông, nhờ sự nỗ lực của bà con, sự chung tay giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm, góp phần giúp cho cuộc sống của bà con nơi đây ngày càng thay đổi tích cực.
Đến Sủng Chớ lần này, chúng tôi vui mừng thấy cấp ủy, chính quyền xã Sủng Cháng nói chung, người dân Sủng Chớ nói riêng đã mạnh dạn thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế. Năm 2018, người dân Sủng Chớ đã biết trồng cây bắp cải trái vụ với số lượng lớn để bán ra thị trường. Đầu năm nay, một hộ dân cũng trồng thí điểm 500m2 cây dược liệu Đương quy và Phòng phong, với tỷ lệ sống cao, cây phát triển tốt hứa hẹn đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Ngoài ra, hầu hết trong những tháng nông nhàn, người dân đã chủ động đi làm thuê ngoài địa bàn để có thêm thu nhập. Từ đó nhiều gia đình đã xây được nhà kiên cố, khang trang.
Cán bộ nông nghiệp xã Sủng Cháng cùng người dân kiểm tra cây Đương quy và Phòng phong đang được trồng thí điểm tại thôn Sủng Chớ. |
Thôn Sủng Chớ hiện có 62 hộ. Toàn thôn có trên 84ha đất trồng ngô một vụ, 3 ha đất trồng cây dong riềng, người dân chăn nuôi được 98 con bò. Theo tính toán, bình quân mỗi hộ trong thôn có 1,5 con bò và 1,3 ha đất để phát triển kinh tế. Các hộ cũng tích cực chăn nuôi lợn, gà và trồng rau xanh để “tự cung tự cấp”. Tuy nhiên, hiện thôn có 44 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo.
Chủ tịch UBND xã Sủng Cháng, Ngô Văn Nghĩa cho biết: Sủng Chớ tuy là thôn khó khăn nhất của xã về điều kiện hạ tầng nông thôn như điện, đường, mạng viễn thông chưa được đầu tư và tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao, nhưng bù lại nơi này được thiên nhiên ưu đãi khi có khí hậu mát mẻ, diện tích đất sản xuất lớn rất phù hợp cho phát triển các loại rau màu, cây dược liệu; nhận thức của người dân cũng đang từng bước nâng lên. Vì thế, thời gian tới chúng tôi xác định sẽ tập trung cho người dân Sủng Chớ phát triển các loại rau trái vụ và cây dược liệu để tăng thu nhập. Đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các cấp, ngành giải quyết khó khăn về đường giao thông giúp thúc đẩy phát triển kinh tế của thôn.
Khi những tia nắng dần khuất sau các dãy núi, sương mờ bắt đầu tràn về trên các mái nhà, chúng tôi rời Sủng Chớ với niềm tin vào một tương lai không xa, Sủng Chớ sẽ vượt khó để “thay da, đổi thịt”.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc