Quản Bạ nỗ lực trở thành xã điểm phát triển kinh tế
BHG - Cán đích Nông thôn mới (NTM) từ cuối năm 2018, sau gần 10 năm nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức; xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ: Thu nhập bình quân đầu người đạt 28,16 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,87%... Để tiếp tục thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, xã Quản Bạ đang nỗ lực phát triển toàn diện; nhằm nâng cao đời sống người dân.
Đàn ngựa sinh sản của gia đình chị Viên Thị Lụa, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ (Quản Bạ). |
Thực hiện chương trình mỗi huyện xây dựng 1 xã, mỗi xã xây dựng 1 thôn điển hình về phát triển kinh tế theo chủ trương của tỉnh; được lựa chọn là xã điểm về phát triển kinh tế của huyện, trước những khó khăn cũng như xuất phát điểm thấp; xã Quản Bạ đã tận dụng mọi lợi thế về tự nhiên để phát triển chăn nuôi; trồng, chế biến dược liệu và du lịch. Chủ tịch UBND xã Quản Bạ, Nông Minh Tiến cho biết: Để thực hiện các tiêu chí NTM nâng cao, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục vận dụng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện vào phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, chú trọng sử dụng các loại giống mới cho năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Qua đó, đã có nhiều hộ dân mở rộng quy mô chăn nuôi, chuyển đổi sang giống mới cho thu nhập khá.
Thực hiện Chỉ thị số 11-CT/HU của BTV Huyện ủy về việc đảng viên gương mẫu, tiên phong đi đầu trong phát triển kinh tế; đến nay, toàn xã đã có trên 50 đảng viên đăng ký các mô hình như: Homestay; chăn nuôi, sản xuất theo hướng hàng hóa (gà đồi, gà Xương đen, vịt Bầu, chim bồ câu Pháp, cá Chép ruộng, lúa chất lượng cao…). Xã cũng khuyến khích thanh niên, phụ nữ, nông dân tích cực tham gia khởi nghiệp với 21 mô hình đạt hiệu quả cao. Thực hiện các chương trình, đề án về phát triển kinh tế; xã có mô hình chăn nuôi lợn gắn với xây lắp bể Biogas; mô hình nuôi ngựa lai giống, ngựa sinh sản ở thôn Nà Vìn, Nặm Đăm, Trúc Sơn; chương trình nuôi dê hàng hóa ở thôn Nam Sơn; mô hình sản xuất giống lúa chất lượng cao tại thôn Nặm Đăm, Trúc Sơn. Số hộ chăn nuôi từ 4-5 con trâu, bò, ngựa chiếm khoảng 16% trong toàn xã.
Đến thăm mô hình chăn nuôi ngựa sinh sản của hộ chị Viên Thị Lụa, thôn Nà Vìn, được chị chia sẻ: “Trước đây, nhà tôi không nuôi ngựa, nhưng từ khi được cán bộ xã đến tuyên truyền, vận động chăn nuôi ngựa để tăng thu nhập thì tôi đã nuôi thử. Đến nay, tôi nuôi ngựa được 4 năm rồi; hiện tôi đang nuôi 4 ngựa cái và 1 con ngựa con. Trung bình mỗi năm, nhà tôi bán được 3 ngựa con, giá khoảng 15 – 17 triệu đồng/con. Nuôi ngựa ít bệnh tật, ngựa con lớn nhanh, được giá; luôn có khách đặt mua và cho thu nhập khá. Bên cạnh đó, nhà tôi còn nuôi lợn, gà, vịt để tăng thu nhập”.
Thực hiện chủ trương của huyện, xã Quản Bạ đã lựa chọn thôn Nặm Đăm làm thôn kiểu mẫu phát triển kinh tế gắn với du lịch cộng đồng và trồng dược liệu. Để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, xã thường xuyên quan tâm đến hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã (HTX) cộng đồng Nặm Đăm; đây là HTX điển hình của huyện về chế biến dược liệu với nhiều sản phẩm được khách hàng ưa thích như: Cao mạnh gân, cao thuốc tắm, cao Actiso… Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của HTX đạt trên 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, phát huy thế mạnh về du lịch; thôn Nặm Đăm đã đón tiếp trên 3.500 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan tại Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm. Trong đó, có 2.333 khách lưu trú, với tổng doanh thu trên 700 triệu đồng. Qua đó, xã đạt 11/19 tiêu chí theo kết quả rà soát Bộ tiêu chí NTM nâng cao.
Với mục tiêu trở thành xã điển hình về phát triển kinh tế, người dân xã Quản Bạ đang cố gắng đẩy mạnh phát triển toàn diện; từ đó, nâng cao các tiêu chí NTM ngày càng đi vào thực chất, góp phần làm thay đổi đời sống bà con ở nông thôn vùng cao.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc