Nông nghiệp Quản Bạ, những tín hiệu vui
BHG - Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; lĩnh vực nông, lâm nghiệp của huyện có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt so với nghị quyết đề ra, đời sống nông dân chuyển biến tích cực.
Khu chăn nuôi bò của hộ ông Dương Văn Tuyền, thôn Nà Vìn, xã Quản Bạ. |
Trong sản xuất nông nghiệp, Quản Bạ tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả gắn với mở rộng liên kết “4 nhà” trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Trọng tâm là thực hiện nghị quyết 3 cây (Hồng không hạt, ngô lai, dược liệu), 3 con (bò, dê, ngựa), 3 sản phẩm (rượu ngô, dệt lanh thổ cẩm, mật ong) của huyện đề ra.
Kết quả thực hiện nghị quyết giai đoạn 2015 – 2018 thể hiện, Quản Bạ có giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản là 701 tỷ đồng, đạt 101% chỉ tiêu nghị quyết; giá trị sản phẩm nông nghiệp trên đơn vị diện tích tăng từ 39 triệu đồng/ha (năm 2015) lên 46 triệu đồng/ha (năm 2018); tỷ trọng giá trị chăn nuôi tăng lên 27%, đạt chỉ tiêu nghị quyết; sản lượng lương thực bình quân đạt 580kg/người/năm; tổng diện tích dược liệu trồng mới là trên 2.800 ha, vượt nghị quyết 103%.
Có được thành tựu trên là nhờ huyện đã chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp như: Đầu tư có thu hồi; thực hiện cánh đồng mẫu dược liệu, ngô lai; chương trình thụ tinh nhân tạo; đề án nửa triệu gia súc; đề án mỗi xã một sản phẩm... Triển khai tốt chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa theo Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh. Từ đó, người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao, như: Hoa hồng, rau sạch, trồng cỏ phát triển chăn nuôi để gia tăng giá trị sản phẩm. Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất, như: Mô hình sản xuất rau, hoa trong nhà lưới; chăn nuôi khép kín; mô hình sản xuất dược liệu và các mô hình ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, chế biến nông sản.
Đặc biệt, khai thác thế mạnh về trồng, chế biến cây dược liệu; hiện, tổng diện tích dược liệu của huyện đã tăng lên 2.800 ha, nhiều sản phẩm dược liệu được ra mắt thị trường, như: Cao bổ khí ích não, cao mạnh gân hoạt cốt, cao Atiso, trà Giảo cổ lam, trà gừng..., mang về doanh thu hàng trăm triệu đồng cho các HTX. Người dân đã quan tâm quản lý và khai thác hiệu quả sản phẩm Hồng không hạt được cấp Chỉ dẫn địa lý tại 5 xã, thị trấn với diện tích 162 ha. Thực hiện Đề án nửa triệu con gia súc của tỉnh, huyện hiện có tổng đàn trâu, bò là 22.518 con; dê 4.500 con; ngựa 645 con. Thực hiện chương trình thụ tinh nhân tạo cho đàn đại gia súc, huyện đã tổ chức thụ tinh cho hơn 400 con bò; bê con đẻ ra có trọng lượng, tầm vóc, khối lượng được cải thiện tốt. Huyện cũng luôn quan tâm đến việc dạy nghề nông nghiệp cho nông dân, sau đào tạo, nông dân đã áp dụng kiến thức vào sản xuất hiệu quả. Thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, toàn huyện hiện có hơn 14.500 máy nông nghiệp các loại, tỷ lệ cơ giới hóa đạt khoảng 50%.
Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quản Bạ, Phạm Ngọc Pha cho biết: Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện xác định: Tiếp tục khai thác tối đa tiềm năng lợi thế sẵn có của từng địa phương trên địa bàn huyện để thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả. Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển các sản phẩm chủ lực đi đôi với nâng cao chất lượng quy hoạch; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất; đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với thị trường tiêu thụ.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc