Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn
BHG - Đào tạo nghề (ĐTN) gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được các cấp, ngành của tỉnh đặc biệt quan tâm. Bởi đây là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giúp nông dân làm kinh tế hiệu quả.
Thông qua đào tạo nghề, gia đình ông Phạm Bá Kỳ, xã Tân Quang (Bắc Quang) sản xuất chè VietGAP hiệu quả. |
Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết sách quan trọng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp (GDNN), nhằm phát triển nguồn nhân lực, tăng cường giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ). Điều đó được minh chứng thông qua: Đề án nâng cao chất lượng ĐTN trên địa bàn tỉnh; ban hành chương trình khung đào tạo ngoại ngữ cho lao động đi xuất khẩu ngoài nước; kế hoạch ĐTN nông nghiệp cho nông dân, nghề phi nông nghiệp cho lao động vùng động lực; ĐTN trọng điểm cấp tỉnh hay ĐTN cho các hợp tác xã (HTX) toàn thôn...
Thực hiện công tác GDNN, Sở Lao động – TBXH phối hợp với cơ quan hữu quan triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, mô hình ĐTN hiệu quả cho LĐNT... Đặc biệt, việc tuyên truyền còn được thực hiện bằng tiếng dân tộc tại các phiên chợ vùng cao. Từ đó, giúp hàng chục nghìn lao động/năm được tiếp cận thông tin về ĐTN. Hơn nữa, các cơ sở GDNN còn chủ động khảo sát nhu cầu học nghề của NLĐ để tham mưu cho chính quyền địa phương ban hành kế hoạch ĐTN. Qua đó, từng bước giúp LĐNT nhận thức đúng, hiểu rõ sự cần thiết và lợi ích của việc học nghề để nâng cao tay nghề, có nghề mới; giúp nông dân làm kinh tế hiệu quả, tăng thu nhập và phát triển kinh tế gia đình, tiến tới xóa nghèo bền vững, xây dựng thành công Nông thôn mới.
Sau đào tạo nghề sửa chữa điện dân dụng, anh Nguyễn Văn Mao, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đã tăng thu nhập, dù khuyết đôi bàn tay. |
Không những vậy, để công tác GDNN đạt hiệu quả, các cơ sở GDNN còn tiến hành chỉnh sửa, ban hành hơn 100 chương trình, giáo trình ĐTN cho LĐNT. Riêng Sở Lao động – TBXH phối hợp với các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, HTX xây dựng và ban hành chương trình, giáo trình đào tạo sơ cấp nghề, như: Quản trị, kế toán HTX; nuôi và cung ứng sản phẩm từ trâu, bò, ngựa, ong mật; trồng và cung ứng sản phẩm cam VietGap... nhằm đáp ứng thực tiễn yêu cầu công tác giảng dạy tại các đơn vị.
Giai đoạn 2016 – 2018, thông qua hoạt động hỗ trợ, ĐTN cho LĐNT, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tổ chức đào tạo hệ sơ cấp và dưới 3 tháng cho 31.070 người. Trong đó, ĐTN nông nghiệp, phi nông nghiệp lần lượt chiếm 53,3% và 46,7% tổng số lao động được đào tạo. Không những vậy, số người có việc làm và tự tạo việc làm sau đào tạo chiếm đến 84%, thông qua việc thành lập tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp tuyển dụng lao động. Điều này giúp trên 800 lao động thoát nghèo; trên 1,4 nghìn lao động có thu nhập khá… Từ tháng 1 đến đầu tháng 7.2019, toàn tỉnh có gần 5.200 lao động được tư vấn, giới thiệu việc làm và học nghề; gần 13.300 lao động được giải quyết việc làm mới. Cơ cấu lao động, việc làm chuyển dịch tích cực từ khu vực nông, lâm nghiệp sang công nghiệp, xây dựng, dịch vụ. Đặc biệt, các ngành nghề đào tạo được thực hiện theo nhu cầu đăng ký của NLĐ, như: Trồng cây ăn quả, dược liệu, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá nước ngọt, nuôi ong; trồng rừng, trồng cây lương thực; sản xuất rau, chè, cam VietGAP; xây dựng dân dụng, sửa chữa ô-tô, xe máy... Do đó, nhiều học viên sau học nghề có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ nhưng năng suất, chất lượng, thu nhập tăng.
Thông qua ĐTN cho LĐNT xuất hiện thêm 73 mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Đặc biệt, thu nhập bình quân của gia đình có lao động tham gia học nghề tăng từ 1 – 1,6 triệu đồng/người/tháng so với mức thu nhập trước khi tham gia học nghề. Điển hình trong đó là mô hình: Nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò; trồng đậu tương, lạc, lê, mận; bảo tồn và làm giàu rừng tự nhiên; mô hình đan lát thủ công cho người khuyết tật tại thị trấn Việt Quang (Bắc Quang) với thu nhập bình quân 2 – 2,5 triệu đồng/người/tháng; chế biến món ăn truyền thống đồng bào Dao thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ với thu nhập bình quân 3 – 4 triệu đồng/người/tháng...
Mặc dù giành được kết quả trên, nhưng theo đánh giá của Sở Lao động – TBXH: Công tác ĐTN cho LĐNT hiện đối diện không ít khó khăn. Trong đó, một số ngành, nghề đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Công tác xã hội hoá GDNN phát triển chậm, chủ yếu là đào tạo hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước. Nhiều Trung tâm GDNN chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích phòng học, xưởng thực hành theo quy định; trang thiết bị được đầu tư từ giai đoạn 2009 – 2014 đã cũ, lạc hậu, hỏng, chưa được bổ sung kịp thời. Hơn nữa, một số cơ sở GDNN thiếu giáo viên, cơ cấu giáo viên chưa phù hợp... Điều đó đặt ra những thách thức không nhỏ cần giải quyết để nâng cao chất lượng GDNN nói chung, chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn nói riêng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc