Mạnh dạn khởi nghiệp từ chăn nuôi tổng hợp
BHG - Anh Nguyễn Văn Tý (sinh 1990), quê tỉnh Phú Thọ. Sau nhiều năm bươn chải với công việc lái xe chở hàng lên vùng cao, anh quen và lấy vợ ở xã Du Già (Yên Minh). Năm 2018, khi vợ anh sinh con đầu lòng, anh quyết định “an cư” ngay trên quê hương vợ. Nhận thấy đất đai của gia đình nhiều, nhưng chưa được khai thác để phát triển kinh tế; anh mạnh dạn xin bố mẹ vợ cho xây dựng mô hình chăn nuôi tổng hợp tại địa phương.
Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình anh Tý có quy mô 30 con lợn; trong đó có 7 lợn nái sinh sản, 3 con trâu sinh sản và 4.000 m2 ao nuôi cá. Ngoài ra, hàng tuần anh Tý còn còn nấu khoảng 200 lít rượu; vừa lấy bỗng làm thức ăn cho lợn vừa cung cấp rượu cho các nhà hàng trên địa bàn và nhu cầu của khách du lịch để có thêm thu nhập… Tổng kinh phí đầu tư cho mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Tý khoảng trên 100 triệu đồng từ tiền tích cóp của 2 vợ chồng anh và một phần vay người nhà.
Hệ thống chuồng nuôi lợn sinh sản của anh Nguyễn Văn Tý. |
Anh Tý chia sẻ: Ở quê tôi có người nhà làm trang trại, nên trước khi quyết định làm mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh đã học được một số kinh nghiệm. Lúc đầu, tôi chỉ nuôi 2 lợn nái sinh sản để tích lũy thêm kinh nghiệm; sau rồi mới nhân rộng như hiện nay. Nguồn nước ở đây rất dồi dào nên tôi quyết định đào ao nuôi cá. Dự kiến, tôi sẽ phát triển đàn lợn lên 20 nái sinh sản và tổng đàn duy trì từ 50 – 100 con; đầu tư quây lưới thép để nuôi thêm lợn rừng bán chăn thả và nuôi vịt trên lưới (đây là phương pháp giăng lưới trên mặt nước của ao rồi thả vịt vừa tận dụng được nguồn nước cho vịt tắm, chất thải của vịt làm thức ăn cho cá).
Được biết, đến nay anh Tý đã xuất bán khoảng 100 con lợn thịt và giống; thu về hàng chục triệu đồng để tái đầu tư. Hiện, anh đang muốn mở rộng quy mô nhưng nguồn vốn hạn chế. Cuối năm 2018, anh đã đăng ký vay vốn theo các chương trình hỗ trợ, khuyến khích sản xuất của tỉnh và huyện nhưng hiện vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn. anh Tý tâm sự: Giờ chưa vay được vốn, nên cứ “lấy ngắn nuôi dài” rồi sẽ tính tiếp.
Phó Chủ tịch UBND xã Du Già Nguyễn Văn Quý cho biết: Dù mô hình mới được xây dựng hơn 1 năm, nhưng quy mô và cách làm của anh Tý cho thấy sự mạnh dạn, “dám nghĩ, dám làm” và bước đầu đã có những kết quả nhất định. Rất mong huyện sẽ sớm duyệt đề xuất xin vay vốn theo các chính sách khuyến khích của tỉnh để mô hình của anh Tý có thể mở rộng đầu tư và áp dụng những phương thức chăn nuôi hiệu quả.
DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc