Đưa tín dụng chính sách vào cuộc sống
BHG - Ngày 22.11.2014, Ban Bí thư T.Ư Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH) (Chỉ thị 40) nhằm nâng cao hiệu quả TDCSXH, góp phần tích cực thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng Nông thôn mới, ổn định chính trị, an sinh xã hội và phát triển KT - XH tại địa phương.
Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Quang Bình thực hiện giao dịch lưu động tại xã Vĩ Thượng. |
Là tỉnh miền núi cực Bắc của Tổ quốc, Hà Giang có 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tỷ lệ hộ nghèo chiếm trên 31%; hộ cận nghèo chiếm 2,7%; vì vậy các chương trình TDCSXH có ý nghĩa rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chỉ thị 40, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản triển khai, phổ biến, quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội và người dân; trong đó cấp ủy, chính quyền các cấp phải xác định nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động TDCSXH là hoạt động trọng tâm, thường xuyên; huy động nguồn lực cho TDCSXH gắn với mục tiêu phát triển KT - XH, giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị 40 đã mang lại nhiều kết quả rõ nét: Hàng năm, các cấp quan tâm, cân đối ngân sách bổ sung nguồn vốn ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến nay, nguồn vốn ủy thác địa phương đạt 50.530 triệu đồng, tăng 32.841 triệu đồng so với năm 2014. Các địa phương hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, trụ sở làm việc; bổ sung, xác nhận đối tượng vay vốn; thường xuyên chỉ đạo việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; phân công Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH cấp huyện; thường xuyên dự họp giao ban giữa Ngân hàng CSXH với các tổ chức hội nhận ủy thác, tổ trưởng tổ TK&VV để nắm bắt chủ trương, chính sách và tình hình hoạt động TDCSXH, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; tạo điều kiện về địa điểm, phương tiện, thời gian, đảm bảo an ninh, an toàn đối với các phiên giao dịch lưu động của Ngân hàng CSXH tại điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND cấp xã. Thường xuyên rà soát đối tượng cho vay, đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng; phấn đấu 100% các đối tượng chính sách đều được vay vốn các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Tính đến 30.6.2019, tổng dư nợ cho vay đạt trên 2.881,3 tỷ đồng/84.392 khách hàng với 15 chương trình tín dụng chính sách. Doanh số cho vay các chương trình tín dụng qua Ngân hàng CSXH giai đoạn 2014 - 2019 đạt trên 4.116,8 tỷ đồng/141.831 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Chất lượng TDCSXH không ngừng được nâng cao; tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,67% cuối năm 2014 xuống còn 0,21% thời điểm cuối tháng 6.2019. Thông qua vốn tín dụng chính sách, đã có 27.832 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; 413 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn là con em các hộ nghèo, hộ cận nghèo được vay vốn đi học; góp phần tạo việc làm cho trên 7.441 lao động tại địa phương; 28.722 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn; 1.221 căn nhà ở cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách được xây dựng.
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vốn vay của Ngân hàng CSXH đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về TDCSXH đến hội viên và nhân dân; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt thúc đẩy phát triển phong trào của các cấp hội; chủ động, tích cực lồng ghép tập huấn khuyến nông, chuyển giao kỹ thuật và nhân rộng các mô hình tiên tiến; bình xét đối tượng đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, đúng chủ trương và đúng đối tượng giúp các hộ vay tiếp cận với vốn TDCSXH kịp thời, hiệu quả. Giai đoạn 2014 đến tháng 6.2019, tổng dư nợ ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội đạt 2.875 tỷ đồng với 84.839 hộ vay tại 2.664 tổ TK&VV, tăng 48% so với cuối năm 2014. Công tác phối hợp giữa Ngân hàng CSXH và các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, đồng bộ, chất lượng ủy thác ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh đó, để tăng cường hoạt động hiệu quả TDCSXH, tỉnh đã đề xuất và ban hành các văn bản hoàn thiện cơ chế về quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng CSXH để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh. Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh và các địa phương trong tinh thường xuyên được củng cố, kiện toàn kịp thời, đảm bảo công tác chỉ đạo, triển khai các chương trình TDCSXH được liên tục, thông suốt, hiệu quả.
Thông qua các chương trình TDCSXH, nhiều hộ dân đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế; xuất hiện ngày càng nhiều hô hình kinh tế hiệu quả với hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Điều đó minh chứng Chỉ thị 40 đã thật sự đi vào cuộc sống và đã tác động mạnh mẽ, tích cực đến đời sống người dân. Vai trò của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội đối với TDCSXH ngày càng được nâng cao.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc