Đồng Văn tăng cường quản lý "hồ treo"
BHG - Đồng Văn được mệnh danh là “vùng đất khát” của tỉnh, hàng năm, từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau là thời điểm thường xảy ra thiếu nước sinh hoạt; nhất là đối với các xã, thôn vùng cao núi đá. Để giải quyết vấn đề trên, Đảng và Nhà nước đã đầu tư xây dựng hệ thống các “hồ treo” để tích nước phục vụ nhu cầu dân sinh. Đến nay, trung bình mỗi xã của huyện Đồng Văn có từ 1 - 4 “hồ treo”; tuy nhiên vấn đề đặt ra là công tác quản lý, vận hành khai thác hệ thống “hồ treo” như thế nào để thực sự phát huy hiệu quả cao nhất.
“Hồ treo” thôn Lao Xa, xã Sủng Là được quản lý và phát huy tốt hiệu quả. |
Hiện nay, trên địa bàn huyện Đồng Văn có tổng số trên 40 “hồ treo”, đa số “hồ treo” này do UBND huyện làm chủ đầu tư; tất cả những công trình “hồ treo” đều được thiết kế và xây dựng với các hạng mục chính như: Hệ thống đường dẫn nước từ nguồn về bể, bể lọc, tường bao có cửa khóa ra vào và được xây dựng tại những vị trí thuận lợi về nguồn nước và gần khu dân cư. Để quản lý và khai thác hiệu quả các “hồ treo”, thời gian qua, tại các thôn có “hồ treo” đã thành lập các Tổ quản lý thôn; tổ được hoạt động theo quy ước, hương ước của thôn và dưới sự chỉ đạo, giám sát của Ban quản lý “hồ treo” của xã. Các tổ có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát việc sử dụng nước, bảo vệ công trình thông qua việc phân công người quét dọn, khơi thông cống rãnh, vệ sinh khu vực xung quanh hồ… Đồng thời thường xuyên kiểm tra hiện trạng công trình trước và sau các hiện tượng thiên tai như: Mưa lớn, sạt lở để có biện pháp khắc phục; nhằm đảm bảo công trình hoạt động được thường xuyên và xử lý đối với những trường hợp sử dụng nước sinh hoạt không đúng mục đích, các hoạt động gây hư hỏng công trình.
Đối với trách nhiệm của người dân được thụ hưởng nước từ “hồ treo” trong thôn, thường xuyên tham gia vệ sinh, phát quang bụi cây, cắt cỏ khu vực xung quanh hồ để đảm bảo diện tích xung quanh hồ luôn sạch đẹp; thực hiện nếp sống văn minh không xả rác bừa bãi xuống hồ. Khi phát hiện các trường hợp sử dụng nước không đúng mục đích, các hoạt động, hành vi gây hư hỏng công trình sẽ báo cáo cho Trưởng thôn hoặc Tổ quản lý thôn. Có trách nhiệm đóng góp ngày công, vật liệu hoặc tiền mặt để phục vụ cho việc khắc phục, sửa chữa nhỏ khi được mọi người trong thôn trực tiếp bàn bạc thống nhất về định mức đóng góp khi cần. Nghiêm cấm các hành vi phá hoại gây ảnh hưởng đến công trình; nếu các tổ chức, cá nhân hoặc gia đình nào có hành vi phá hoại và vi phạm đến công trình thì phải bồi thường 100% thiệt hại hoặc căn cứ vào mức độ thiệt hại thực tế để bồi thường; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng đến kinh tế chung của thôn thì đề nghị xử lý theo pháp luật.
Để tìm hiểu rõ hơn về việc quản lý, vận hành các hồ treo trên địa bàn; chúng tôi đến xã Sủng Là, một trong những xã có số lượng “hồ treo” nhiều nhất của huyện với 4 hồ ở 4 thôn gồm: Mo Pải Phìn, Lao Xa, Sáng Ngài, Lũng Cẩm Trên; những hồ này được xây dựng trong giai đoạn từ năm 2010 – 2017; phục vụ cho khoảng trên 4.000 người của xã. Qua nắm bắt thực tế tại các “hồ treo” của xã đều được người dân khu vực xung quanh, thành viên Tổ tự quản quản lý, thường xuyên phát cỏ, vệ sinh sạch sẽ không để rác, đất đá trôi xuống hồ đảm bảo nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trong quá trình sử dụng nước ở hồ, người dân rất có ý thức về tiết kiệm nước. Về cơ bản, các “hồ treo” đều đảm bảo cung cấp đủ nước sinh hoạt cho người dân và học sinh dân nuôi ăn, ở bán trú, nội trú tại các trường học của xã.
Trưởng thôn Lao Xa, xã Sủng Là, Giàng Vả Say chia sẻ: Những năm trước kia, khi chưa có “hồ treo”, nhiều hộ dân trong thôn phải đi tìm nước vất vả lắm, hộ có điều kiện thì đầu tư mua ống nước cắm vào khe đá dẫn nước từ trên núi xa về; hộ không có điều kiện thì phải xách can đi lấy nước hoặc hứng nước mưa để dùng... Được Nhà nước xây dựng “hồ treo” người dân trong thôn ai cũng phấn khởi vì đã có nước để sinh hoạt, phục vụ cho trồng rau, chăn nuôi… Nhận thức được sự quan trọng của nước đối với đời sống sinh hoạt, nên người dân ở đây rất có ý thức trong việc bảo vệ công trình, sử dụng nước hợp lý.
Từ việc quản lý hiệu quả “hồ treo” đã phát huy được ý thức chung của cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt do Nhà nước đầu tư; qua đó cũng nâng cao nhận thức của người dân trong việc tham gia, thực hiện các nghĩa vụ đối với thôn, xã.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc