Xuân Giang nâng cao chất lượng các tiêu chí

08:56, 05/07/2019

BHG - Xuân Giang là địa phương thứ 2 của huyện Quang Bình về đích xây dựng Nông thôn mới (NTM). Chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được, xã tiếp tục phấn đấu nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM với mục tiêu: Tăng thu nhập, làm cho đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Giống lúa Thiên ưu 8 đem lại mùa vàng bội thu trên cánh đồng thôn Chang.
Giống lúa Thiên ưu 8 đem lại mùa vàng bội thu trên cánh đồng thôn Chang.

Nhìn lại chặng đường cán đích NTM của xã Xuân Giang mới thấy sự đồng lòng, quyết tâm; dám nghĩ, dám làm của cấp ủy, chính quyền và nhân dân. Khi mới bắt tay vào xây dựng NTM, hạ tầng cơ sở của xã cần rất nhiều vốn để xây dựng, nâng cấp; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, lạc hậu. Đứng trước những khó khăn, thách thức, xã đã ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình hành động và thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện NTM. Mọi công việc liên quan đến NTM đều được dân biết, dân bàn, kiểm tra, giám sát để khơi dậy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị. Với sự đồng thuận cao, năm 2016, xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Khoác trên mình diện mạo mới từ điện, đường, trường, trạm cho đến những chuyển biến tích cực trong hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp; NTM thật sự đem lại cuộc sống đầy đủ hơn cho người dân.

Đặc biệt, sau 8 năm xây dựng NTM, tốc độ phát triển kinh tế hàng năm của xã đạt trên 17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 34,7 triệu đồng/năm; giá trị các loại cây trồng đạt 75 triệu đồng/ha đất canh tác. Ngoài ra, hệ thống đường bê tông được cứng hóa đến từng ngõ, xóm phần nào đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh. Với nguồn lực phát triển KT - XH, trên địa bàn xã đã hình thành 5 HTX chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ. Bên cạnh đó, các thôn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ông Hoàng Văn Phỏng (bên phải), thôn Tịnh phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn.
Ông Hoàng Văn Phỏng (bên phải), thôn Tịnh phát triển kinh tế từ chăn nuôi lợn.

Ông Hoàng Văn Lẵm, Trưởng thôn Tịnh, cho biết: “Thôn có 162 hộ, nhưng chỉ còn duy nhất 1 hộ nghèo. Hiện, thôn là điển hình trong  phát triển kinh tế của xã; khoảng 40% gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Những năm gần đây, thôn có sự thay đổi nhanh về mọi mặt; nhất là các dịch vụ kinh doanh mới nở rộ nhiều hơn, bà con đang triển khai mô hình làm tơ tằm, hướng tới thành lập HTX. Nhìn chung, chúng tôi được hưởng lợi trực tiếp từ quá trình xây dựng NTM, minh chứng thể hiện rõ nét về kinh tế, đi đâu cũng thấy nhà cửa khang trang, sạch đẹp, các vấn đề an sinh xã hội được đảm bảo. Với yếu tố này, nhân dân luôn tin tưởng và vận dụng hiệu quả thành tựu NTM để phát triển trong giai đoạn tiếp theo”.

Là xã nằm trong vùng động lực của huyện, bên cạnh việc giữ vững các tiêu chí; từ đầu năm 2019 đến nay, Xuân Giang tập trung đôn đốc đơn vị thi công hoàn thiện tuyến đường thôn Bản Tát và chỉ đạo các thôn thực hiện duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đường bê tông ngõ, xóm. Đồng thời, phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, nhân rộng các mô hình, tổ hợp tác, nhóm sở thích tiêu biểu và duy trì Quỹ phát triển cộng đồng nhằm tạo động lực thúc đẩy nhân dân vươn lên làm giàu. Cùng với đó, địa phương cũng chú trọng phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Chang, thôn Chì gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Đồng chí Ngô Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Giang, cho biết: “Mục tiêu đến hết năm 2019, xã hoàn thành 3 thôn phát triển toàn diện, nâng mức thu nhập bình quân đạt 36,5 triệu đồng/người/năm. Trên cơ sở đó, xã sẽ vận dụng linh hoạt, hiệu quả các chương trình, như: Đề án phát triển nửa triệu con đại gia súc hàng hóa của tỉnh; Nghị quyết 29 của HĐND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; tiếp tục xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đặc trưng; đẩy mạnh ứng dựng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, cây trồng”.

Bài, ảnh: Mộc Lan


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Người đưa thương hiệu sản phẩm từ cây nghệ Bắc Mê vươn xa

BHG - Cây nghệ, một sản phẩm đặc trưng của huyện Bắc Mê; với tổng diện tích 280 ha, sản lượng bình quân ước khoảng 3.362 tấn. Hiện, các sản phẩm chiết xuất từ cây nghệ Bắc Mê đã có mặt tại nhiều thị trường trong nước. Một trong những người tạo nên chỗ đứng cho cây nghệ Bắc Mê là anh Trần Quý Bình, Giám đốc Công ty TNHH Cát Thành; với việc đầu tư nhiều máy móc hiện đại để chiết xuất đã giúp cây nghệ ở Bắc Mê trở thành những sản phẩm có giá trị cao và tạo sinh kế cho người dân.

 

05/07/2019
Kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững

BHG - Giai đoạn 2016-2018, tổng vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giao thực hiện trên địa bàn tỉnh gần 1.271 tỷ đồng nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; hỗ trợ lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số... Qua đó, đời sống các hộ nghèo ngày càng được nâng lên, từng bước thoát nghèo bền vững.

 

05/07/2019
Quy định mức bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất

BHG - UBND tỉnh vừa ban hành Quyết định 16/2019/QĐ-UBND, ngày 26.6.2019 về mức bồi thường thiệt hại nhà ở, công trình xây dựng khác gắn liền đất và di chuyển mồ mả khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh; áp dụng đối với các trường hợp không thuộc quy định tại Khoản 1, Điều 8 Nghị định 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

04/07/2019
Thầy giáo tiểu học khởi nghiệp từ mô hình homestay

BHG - Những năm gần đây, xã Bản Phùng (Hoàng Su Phì) được du khách trong nước và quốc tế biết đến như một địa chỉ du lịch mới, với khung cảnh ruộng bậc thang hùng vĩ, không khí trong lành, nét văn hóa truyền thống độc đáo và sự thân thiện, lòng mến khách nồng hậu của người dân. Lượng khách đến Bản Phùng tăng lên theo từng năm là tiền đề để các dịch vụ du lịch phát triển. Nhận diện được cơ hội, thầy giáo Phạm Đức Hiếu đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình homestay.

 

04/07/2019