Vị Xuyên đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình
BHG - Để thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII; huyện Vị Xuyên đang tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển khai nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình; hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.
Mô hình trồng dưa trong nhà lưới của HTX Sản xuất rau an toàn Tân Đức (Đạo Đức). |
Sau khi khảo nghiệm thành công, từ vụ Xuân năm 2018, giống lúa thuần chất lượng cao J02 trở thành mô hình nông nghiệp điển hình mang lại hiệu quả trên địa bàn huyện và là giống lúa gieo trồng được cả 2 vụ trong năm. Lúa có đặc điểm cứng cây, chống đổ cao, có khả năng chống chịu tốt với thời tiết khắc nghiệt và sâu bệnh; năng suất cao, chất lượng gạo ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng. Vụ Xuân 2019, huyện Vị Xuyên gieo cấy 350 ha lúa J02 tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn bằng hình thức cánh đồng mẫu áp dụng phương pháp “5 cùng”; năng suất lúa đạt trên 60 tạ/ha, sản lượng đạt trên 2.100 tấn; giá trị sản phẩm đạt 60 – 68 triệu/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, giống lúa J02 cao hơn các loại giống lúa khác từ 25 – 30 triệu đồng/ha, đây chính là hướng đi hiệu quả để nhân rộng và chuyển đổi cơ cấu giống lúa trên địa bàn cũng như phát triển vùng sản xuất lúa hàng hóa theo hướng chất lượng, ổn định, bền vững; góp phần nâng cao giá trị sản xuất/đơn vị diện tích đất canh tác.
Đối với chương trình phát triển vùng mía nguyên liệu, đây là mô hình liên kết sản xuất giữa huyện Vị Xuyên với Công ty Mía đường Sơn Dương – Tuyên Quang và Công ty Thủy Vĩnh Bảo theo chuỗi giá trị, đảm bảo đầu ra ổn định, nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện tại, diện tích trồng mía liên kết đạt 113,65 ha, được thực hiện ở nhiều địa phương trong huyện; năng suất bình quân 60 – 80 tấn/ha; sản lượng đạt 9.215 tấn; doanh thu ước đạt 8,3 tỷ đồng. Hiện, huyện Vị Xuyên đã thực hiện quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu mía đến năm 2020 tại các xã: Ngọc Linh, Linh Hồ, Ngọc Minh, Trung Thành, Bạch Ngọc, Việt Lâm với diện tích 1.000 ha. Các chính sách hỗ trợ cho người trồng mía từng bước được áp dụng, tạo cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng mía nguyên liệu.
Tận dụng diện tích mặt nước của các lòng hồ thủy điện, huyện đã chú trọng đầu tư, phát triển nuôi trồng thủy sản bằng hình thức nuôi cá lồng. Hiện, toàn huyện có 77 lồng cá của 24 hộ dân và được nuôi tại các lòng hồ thủy điện; sản lượng trung bình đạt 2 tấn/lồng/năm; chủ yếu các loại cá Chép, Trắm, Trôi, Chiên. Doanh thu từ nuôi cá lồng trung bình đạt 120 triệu đồng/lồng/năm.
Bên cạnh đó, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp sạch, hữu cơ và phát triển bền vững; huyện đã hỗ trợ, khuyến khích người dân phát triển mô hình nhà lưới. Toàn huyện hiện có 26.000 m2/20 nhà lưới, chủ yếu trồng các loại dưa lưới, cà chua, hoa và các loại rau trái mùa. Với việc áp dụng khoa học, kỹ thuật, các nhà lưới đều đảm bảo rau, quả phát triển tốt, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, được thị trường ưa chuộng; trung bình các nhà lưới thu nhập đạt 5 – 7 triệu đồng/vụ/100 m2. Tiêu biểu có nhà lưới sản xuất rau, hoa an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP của HTX Tân Đức (Đạo Đức), HTX Học Lập (thị trấn Vị Xuyên) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Năm 2019, huyện tiếp tục thực hiện thành công mô hình trồng dưa hấu tại các xã trên địa bàn với diện tích 53,8 ha; năng suất ước đạt 18 tấn/ha, sản lượng 968 tấn; doanh thu ước đạt trên 11,6 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản đầu tư, mô hình trồng dưa hấu mang lại thu nhập từ 40 – 45 triệu đồng/ha.
Đồng chí Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: “Thực hiện các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình nhằm từng bước xây dựng các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh hàng hóa; hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sử dụng trên diện tích đất canh tác và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân. Đối với từng mô hình, huyện đều có phương án, kế hoạch và chỉ đạo triển khai thực hiện; đẩy mạnh áp dụng khoa học kỹ thuật, thâm canh mang lại năng suất, hiệu quả cao. Huyện ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia phát triển mô hình kinh tế điển hình; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân trong quá trình thực hiện. Bước đầu các mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình đã mang lại hiệu quả rõ nét; góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của huyện”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc