Hội nghị bàn giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
BHG - Ngày 5.7, Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình và bàn các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Đồng chí Đỗ Tấn Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và một số hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. |
Hiện nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 317 hộ/137 thôn/48 xã/8 huyện trên địa bàn tỉnh; tổng số lợn chết và tiêu hủy trên 2.230 con; trọng lượng trên 111,8 tấn. Ngay sau khi xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, các cấp, ngành và người dân đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh lây lan. Toàn tỉnh thành lập 182 chốt, trạm kiểm dịch động vật, tăng cường kiểm tra, kiểm soát buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn và sản phẩm của lợn vào địa bàn; cấp 32.000 lít hóa chất thực hiện các đợt vệ sinh, khử trùng tiêu độc và phun tiêu độc khử trùng tất cả các phương tiện ra vào địa bàn. Các huyện, thành phố cấp trên 7,7 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch; xử lý 46 vụ vi phạm về buôn bán, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh.
Toàn tỉnh hiện có 6 xã, thị trấn sau 30 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới đã công bố hết dịch, gồm: Xã Tân Trịnh (Quang Bình); Kim Linh (Vị Xuyên); Sơn Vĩ (Mèo Vạc); thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn); xã Ngọc Đường, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang).
Tại Hội nghị, các đại biểu thảo luận về những khó khăn trong quá trình phòng, chống, khống chế dịch bệnh: Các địa phương lúng túng trong quá trình xử lý ổ dịch; không bố trí đủ lực lượng, phương tiện và địa điểm tiêu hủy lợn bệnh; kinh phí hạn chế; các sở, ngành địa phương chưa thật sự quyết liệt trong công tác phối hợp phòng, chống dịch; diễn biến dịch phức tạp, khó kiểm soát; công tác kiểm soát giết mổ, buôn bán, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn vào địa bàn; vấn đề tái đàn sau khi hết dịch; kinh phí hỗ trợ người dân có lợn bị bệnh phải tiêu hủy.
Kết luận hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đỗ Tấn Sơn giải đáp các vấn đề đại biểu quan tâm; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của T.Ư và UBND tỉnh; xử lý, tiêu hủy lợn bệnh kịp thời, đảm bảo không để lây lan, gây ô nhiễm môi trường; phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm soát giết mổ, mua bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn vào địa bàn theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT; tuyên truyền người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng đúng quy định, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đối với các địa phương đang có dịch, khuyến cáo người chăn nuôi tạm thời không tái đàn và chuyển sang chăn nuôi các loại vật khác; công khai chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại. Đối với các địa phương đã công bố hết dịch, tiếp tục theo dõi, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng định kỳ, không để tái phát dịch bệnh; rà soát nhu cầu con gống của người chăn nuôi tại các địa phương để xây dựng kế hoạch tái đàn; hỗ trợ các hộ chăn nuôi tiếp cận nguồn vốn chính sách để tái đàn hoặc chuyển đổi sang các loại vật nuôi khác. Sở NN&PTNT sẽ tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành quyết định mới theo Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 18.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ để thay thế Quyết định 1043/QĐ-UBND của UBND tỉnh về ban hành mức hỗ trợ phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn
Tin, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc