Hiệu quả từ các công trình thủy điện
BHG - Tỉnh ta nằm trong khu vực có địa hình đồi núi cao, chia cắt mạnh, độ dốc lớn; nhiều sông, suối có tiềm năng rất lớn để xây dựng các nhà máy thủy điện và phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản…
Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 vận hành, khai thác mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Theo số liệu của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh có 71 nhà máy, dự án thủy điện; gồm 65 nhà máy, dự án được lập và phê duyệt quy hoạch từ giai đoạn 2005 đến nay với tổng công suất 991,9 MW; 6 nhà máy được xây dựng, vận hành phát điện từ năm 1972 với tổng công suất 19,6 MW. Có 32 nhà máy đang phát điện thương mại vào lưới điện Quốc gia, tổng công suất 634,8 MW. Trong năm 2018, các nhà máy phát điện đạt 2.489 triệu kWh; tổng doanh thu 2.785 tỷ đồng; nộp ngân sách gần 519 tỷ đồng; nộp phí dịch vụ môi trường rừng gần 80 tỷ đồng.
Một trong những dự án thủy điện đi vào hoạt động, mang lại hiệu quả KT-XH cao, như: Nhà máy Thủy điện Sông Lô 4 được khởi công xây dựng cuối năm 2015 trên sông Lô, thuộc địa phận thôn Ngần Hạ, xã Tân Thành (Bắc Quang), công suất 24 MW, do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Lô 4 làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư hơn 720 tỷ đồng. Hiện đã phát điện thương mại, cung cấp khoảng 80 triệu Kwh điện mỗi năm cho hệ thống điện Quốc gia, giá trị sản xuất công nghiệp đạt khoảng 90 tỷ đồng, nộp ngân sách khoảng 16 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương. Ngoài ra, vùng lòng hồ thủy điện đã tạo cảnh quan sinh thái, phát triển du lịch và nuôi trồng thủy sản cho nhân dân các xã của huyện Bắc Quang và Vị Xuyên.
Vùng lòng hồ Nhà máy Thủy điện Sông Chảy 6 có tiềm năng phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản. |
Công trình Thủy điện Sông Chảy 6 do Công ty Cổ phần Thủy điện Sông Chảy 6, thuộc Công ty TNHH Sơn Lâm làm chủ đầu tư, với công suất lắp máy 16 MW, sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 54.50 triệu KW/h, được xây dựng tại xã Thèn Phàng (Xín Mần). Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đặc biệt là việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau gần 2 năm thi công, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng, hiện đang phát điện thương mại.
Xác định đây là công trình trọng điểm, mang lại nguồn thu ngân sách địa phương, cũng như cảnh quan, môi trường; do vậy, ngay từ khi chuẩn bị triển khai dự án, huyện Xín Mần đã chỉ đạo các phòng, ban, các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với chủ đầu tư thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và hỗ trợ sản xuất, tái định cư.
Đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần, cho biết: Để công tác đền bù, giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Thủy điện Sông Chảy 6 đạt hiệu quả cao nhất, huyện đã thành lập Tổ công tác đặc biệt, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động và áp dụng các chính sách ở khung cao nhất, có lợi nhất cho người dân nên nhận được sự đồng thuận cao… Nhà máy Thủy điện Sông Chảy 6 đi vào hoạt động sẽ đóng góp cho ngân sách huyện khoảng 15 tỷ đồng mỗi năm và 1,2 tỷ đồng tiền thuế bảo vệ môi trường; tạo cảnh quan môi trường thuận lợi để phát triển du lịch, dịch vụ.
Được biết, các công trình thủy điện đã đi vào vận hành, khai thác, phát điện thương mại, hàng năm đóng góp khoảng 30% số thu ngân sách của tỉnh; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia; đồng thời giải quyết được nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ
Ý kiến bạn đọc