Đồng Văn nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu
BHG - Thời gian qua, huyện Đồng Văn đã có nhiều giải pháp, cách làm phù hợp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, trong đó chú trọng nhân rộng cánh đồng ngô, lúa mẫu. Điều này đã tạo chuyển biến lớn về nhận thức của người dân từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung theo hướng hàng hóa, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Cánh đồng mẫu trồng ngô của người dân thôn Cà Láng, xã Lũng Phìn. |
Xây dựng và nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu được huyện Đồng Văn xác định là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp. UBND huyện đã giao nhiệm vụ, phân công các phòng, đơn vị chức năng của huyện phụ trách các xã, thị trấn; chỉ đạo các xã, thị trấn, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng vào cuộc, đến từng thôn, xóm vận động nhân dân thực hiện cánh đồng mẫu đại trà trên cây ngô và lúa. Xây dựng mỗi xã, thị trấn có ít nhất một mô hình cánh đồng mẫu thâm canh trọng điểm, trong đó ưu tiên làm ở những thôn phát triển toàn diện; chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện lồng ghép với các nguồn vốn từ Chương trình 30a, 135, chương trình nông nghiệp trọng tâm và các nguồn khác để thực hiện. Cùng đó, huyện huy động toàn bộ hệ thống cán bộ nông nghiệp, khuyến nông, trạm bảo vệ thực vật tham gia chỉ đạo kỹ thuật, giám sát quá trình thực hiện từ khâu gieo mạ, trồng ngô, bón phân, chăm sóc đến dự tính, dự báo, phòng trừ sâu bệnh hại.
Đặc biệt, trong quá trình triển khai nhân rộng cánh đồng ngô, lúa mẫu, huyện Đồng Văn chú trọng thực hiện theo phương thức 5 cùng (cùng giống, làm đất, gieo trồng, chăm sóc và cùng thu hoạch). Các giống lúa được ưu tiên gieo cấy tại những cánh đồng mẫu là Nhị ưu 838, Khẩu mang, Tám thơm… Giống ngô được sử dụng chủ yếu NK4300, CP999, CP888.
Với sự chỉ đạo, vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, đơn vị liên quan, trong vụ Xuân - hè năm 2019, 19/19 xã, thị trấn có cánh đồng ngô mẫu với tổng diện tích 56,6 ha, 185 hộ dân tham gia (trung bình mỗi cánh đồng ngô mẫu có diện tích từ 3 ha trở lên); đối với cây lúa có 6 cánh đồng mẫu ở 5 xã, thị trấn, thực hiện trên diện tích 18 ha, 87 hộ tham gia. Ngoài việc thực hiện cánh đồng ngô, lúa mẫu, huyện Đồng Văn chuẩn bị thực hiện cánh đồng rau chuyên canh và đậu tương trong vụ Thu - đông tới.
Đánh giá việc triển khai thực hiện, nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu, đồng chí Nguyễn Thanh Tuân, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện cho biết: Việc thực hiện cánh đồng mẫu ở Đồng Văn đã làm người dân thay đổi tập quán canh tác nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất tập trung với năng suất, sản lượng tăng, giảm được chi phí và góp phần thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của huyện. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn có những hạn chế như một số xã việc chỉ đạo của Thường trực Đảng ủy, HĐND, UBND chưa quyết liệt, chưa tạo được khí thế thi đua trong cộng đồng; một bộ phận người dân còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước, chưa thực sự thiết tha với đồng ruộng, chưa bỏ công sức và vốn đầu tư, áp dụng theo quy trình kỹ thuật; tình hình sâu, bệnh hại ngày một diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến hiệu quả, thực hiện cánh đồng mẫu…
Tuy nhiên, để nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu, thâm canh tăng năng suất ngô, lúa, Phòng Nông nghiệp - PTNT sẽ tham mưu cho UBND huyện triển khai một số giải pháp như tiếp tục phân công, cử cán bộ nông nghiệp huyện phụ trách các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo hướng bám sát cơ sở; tăng cường đội ngũ cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng, năng suất lúa, ngô và các cây trồng khác. Phát động chương trình sử dụng phân bón hữu cơ để giảm chi phí đầu vào cho nông dân. Mạnh dạn khảo nghiệm, đưa vào gieo trồng những giống cây trồng có tiềm năng, năng suất để bổ sung vào cơ cấu giống của huyện.
Việc xây dựng cánh đồng ngô, lúa mẫu ở Đồng Văn bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và cách làm của người dân; nâng cao giá trị, sản lượng cây trồng.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC
Ý kiến bạn đọc