Đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao
BHG - Đào tạo nhân lực nói chung và nhân lực có tay nghề cao nói riêng được tỉnh ta xác định là một trong những khâu đột phá chiến lược để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, xem đây là một trong những quốc sách hàng đầu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững miền biên cương cực Bắc của Tổ quốc.
Học viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang thực hành sửa chữa ô tô. |
Thực hiện mục tiêu đào tạo nhân lực có tay nghề cao, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã rà soát, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN); nhằm tinh gọn bộ máy, hướng đến mục tiêu hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong đó, UBND tỉnh ban hành 8 Đề án sáp nhập Trung tâm Dạy nghề với Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp huyện; sáp nhập 3 Trung tâm Nghề (thành phố Hà Giang, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh) vào Trường Cao đẳng Nghề Hà Giang; sáp nhập Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Hà Giang vào Trường Cao đẳng Nghề, đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ (KT&CN) tỉnh; sáp nhập Trung tâm GDNN – GDTX huyện Bắc Quang vào Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Bắc Quang, đổi tên thành Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú – GDTX Bắc Quang; bàn giao chức năng, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về GDNN từ Sở GD&ĐT, Sở Y tế sang Sở Lao động TB&XH quản lý đối với 2 trường trung cấp chuyên nghiệp (Y tế và Dân tộc Nội trú – GDTX Bắc Quang)… Đến nay, toàn tỉnh có 14 cơ sở GDNN; trong đó có 1 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp, 9 trung tâm GDNN – GDTX; 1 trung tâm dạy nghề tư thục và 1 cơ sở có tham gia đào tạo nghề.
Các doanh nghiệp tư vấn, tuyển dụng lao động tại Ngày hội Việc làm huyện Bắc Quang. Ảnh: THU PHƯƠNG |
Đi liền với công tác tinh gọn bộ máy, hàng năm, UBND tỉnh đều bố trí kinh phí để các cơ sở GDNN thực hiện hoạt động đào tạo nghề cho lao động. Trường Cao đẳng KT&CN tỉnh đã có 5 ngành đào tạo được Tổng cục GDNN phê duyệt vào chương trình trọng điểm Quốc gia, giai đoạn 2018 – 2020 với tổng kinh phí đầu tư lên đến 40 tỷ đồng; còn Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú – GDTX Bắc Quang được đầu tư 4 nghề trọng điểm Quốc gia, gồm: Công nghệ chế biến chè, hàn, chăn nuôi thú y và lâm sinh… Qua đó, tạo thêm cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao. Không những vậy, chương trình, nội dung đào tạo nhân lực có tay nghề cao được tỉnh đổi mới và thực hiện đồng bộ. Ví như chương trình, giáo trình đào tạo được xây dựng có sự tham gia của doanh nghiệp, tập trung theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực; tích hợp kiến thức, kỹ năng, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo vào quá trình đào tạo; tăng thời gian, thời lượng thực tập, nâng cao kỹ năng nghề, rèn ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc tại các doanh nghiệp cho học sinh, sinh viên (HS-SV). Thầy Bùi Mạnh Trường – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ khí – Động lực (Trường Cao đẳng KT&CN Hà Giang), cho biết: Hiện, Khoa có 129 HS-SV hệ cao đẳng và trung cấp. Đa phần các em sau giờ học ở trường đều tham gia học nghề, rèn kỹ năng sửa chữa ô tô, xe máy tại một số cơ sở trên địa bàn thành phố theo sự liên kết của nhà trường, như: Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ ô tô 304 (phường Ngọc Hà), Gara ô tô Thành Lập, Xưởng sửa chữa ô tô Nguyễn Duy Hùng (phường Quang Trung) hay Trung tâm sửa chữa, bảo dưỡng xe máy Trường Thủy (phường Trần Phú)… Em Trần Văn Lượng, sinh viên lớp Công nghệ ô tô K6, cho biết: Vừa học kiến thức ở trường, vừa luyện tay nghề tại doanh nghiệp đã giúp chúng em trau dồi kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, rèn tác phong lao động kỷ luật, biết cách chăm sóc khách hàng. Đồng thời, có thêm thu nhập từ 2 – 3 triệu đồng/người/tháng để phụ giúp gia đình chi phí sinh hoạt hàng ngày.
Thực tế cho thấy, để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả và yêu cầu đặt ra, đó là đào tạo gắn với giải quyết việc làm, ổn định đời sống người lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Điển hình như Trường Cao đẳng KT&CN tỉnh ký kết hợp tác đào tạo, việc làm với 18 doanh nghiệp. Trong quá trình thực hành, thực tập, HS-SV được đưa về các doanh nghiệp này để nâng cao tay nghề, có thêm thu nhập. Khi tốt nghiệp, các em được doanh nghiệp tuyển dụng với mức lương từ 5 triệu đồng trở lên/tháng tùy theo từng ngành, nghề - thầy Nguyễn Đông Văn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng KT&CN tỉnh chia sẻ.
Theo số liệu thống kê của Sở Lao động TB&XH: Giai đoạn 2016 – 2018, toàn tỉnh đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 40.000 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 50,8%; trong đó, qua đào tạo nghề 41,2%. Hàng nghìn trường hợp được đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, như: Điều dưỡng, hộ sinh, kế toán doanh nghiệp, sửa chữa máy nông nghiệp, hàn, công nghệ ô tô, vận hành nhà máy thủy điện… Đặc biệt, lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm; một số nghề như dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, xây dựng, chế biến chè, sản xuất và kinh doanh rượu, tỷ lệ này đạt trên 80%... Riêng 6 tháng đầu năm 2019, toàn tỉnh giải quyết việc làm mới cho trên 13.000 lao động (tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó có 500 trường hợp xuất khẩu lao động, trên 7.000 người đi làm việc ngoài tỉnh.
Những minh chứng trên cho thấy sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao nói riêng, giáo dục đào tạo nói chung là quốc sách hàng đầu để huy động toàn xã hội tham gia thực hiện. Trên cơ sở đó, góp phần thực hiện thành công 1 trong 5 chương trình trọng tâm theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đề ra là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc