Xây dựng "vườn an toàn, hiệu quả" nâng cao thu nhập
BHG - Hiện nay, các hộ trong tỉnh làm nông nghiệp hầu hết đều làm kinh tế Vườn – Ao – Chuồng (VAC). Đây là những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho bữa ăn hàng ngày, do vậy cần phải an toàn, không độc hại. Trong những năm qua, nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất từ vườn thành trang trại; tạo ra sản phẩm có chất lượng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống, thoát nghèo và vươn lên khá, giàu. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay vẫn còn những hộ làm vườn không đảm bảo an toàn; sử dụng thuốc BVTV không đúng cách…, gây hại cho con người và môi trường. Sản phẩm từ vườn chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP); chưa chú trọng đầu tư; sản phẩm cây trồng, vật nuôi chất lượng kém, nên thu nhập thấp.
Vườn cam của ông Đặng Thế Lương, xã Trung Thành (Vị Xuyên) được chăm sóc theo tiêu chuẩn “Vườn an toàn, hiệu quả”. |
Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh, Nguyễn Văn Tự, cho biết: “Thực hiện kế hoạch, chương trình của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với ATVSTP; Hội đã vận động, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên làm vườn an toàn, hiệu quả, như: Tập huấn kỹ thuật và tham quan các mô hình kinh tế VAC hiệu quả; tuyên truyền Kế hoạch số 54 của UBND tỉnh về không sử dụng thuốc trừ cỏ, thu gom bao bì thuốc BVTV đã qua sử dụng và loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2,4D và Paraquat ra khỏi danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng”...
Ông Đoàn Hồng Tụ, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) hội viên Hội Làm vườn tỉnh, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi nhiều năm liền, chia sẻ: “Nhà tôi làm vườn đã nhiều năm, hiện tôi đang trồng 4,5 ha cây keo, hơn 1 ha Na dai, 80 – 100 cây ổi và hơn 200 cây Thanh long. Thu nhập trung bình từ làm vườn là hơn 100 triệu đồng. Thực hiện phong trào của Hội về làm vườn an toàn hiệu quả, tôi đã triển khai tại gia đình và tuyên truyền cho các hộ khác cùng làm theo. Tôi thấy đây là phong trào thiết thực, đáp ứng xu thế về ATVSTP, làm cho người tiêu dùng yên tâm hơn khi dùng sản phẩm.
Phát triển nông nghiệp xanh, sản xuất theo hướng “Vườn an toàn, hiệu quả” do Hội Làm vườn tỉnh xây dựng hướng tới mục tiêu an toàn và cho hiệu quả kinh tế. Trong đó, hướng dẫn các hộ làm vườn phải có hố thu gom chất thải chăn nuôi, ủ phân chuồng đúng kỹ thuật hoặc xử lý phân chuồng bằng hệ thống Biogas; sử dụng nguồn nước chăn nuôi và tưới tiêu không bị ô nhiễm; hạn chế bón phân vô cơ; sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”, không sử dụng thuốc trừ cỏ, các chất cấm trong chăn nuôi. Sản phẩm an toàn là đủ thời gian cách ly với thuốc BVTV, không dùng chất bảo quản mất an toàn. Phấn đấu các hộ làm vườn có thu nhập tổng hợp từ làm kinh tế VAC đạt khoảng 20 triệu đồng/người/năm đối với các huyện vùng cao và 25 triệu đồng/người/năm đối với các hộ huyện vùng thấp.
Ông Đặng Thế Lương, xã Trung Thành (Vị Xuyên) là một nhà vườn có thu nhập khá; hiện nay, vườn của ông đang trồng gần 600 cây cam, Bưởi đường kết hợp với chăn nuôi lợn và đào ao thả cá; có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Ông Lương chia sẻ: “Ngày nay, làm kinh tế từ vườn càng đòi hỏi kỹ thuật cao, làm sao để đảm bảo cây ăn trái ra quả đạt yêu cầu và vật nuôi phát triển tốt. Để hỗ trợ chăn nuôi, trồng trọt cần rất nhiều loại thuốc BVTV và phân bón khác nhau. Do vậy người làm vườn cần phải có kiến thức chuyên môn để sản xuất ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng và đạt hiệu quả kinh tế cao”.
Qua phong trào làm vườn an toàn, hiệu quả, Hội Làm vườn tỉnh đã tổ chức hướng dẫn các hộ phát triển kinh tế VAC phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững. Nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”; mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm, chú trọng khâu thu hoạch, bảo quản trong đó đặt vấn đề ATVSTP lên hàng đầu.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc