Vị Xuyên tìm hướng đi cho người chăn nuôi lợn
BHG - Đến nay, huyện Vị Xuyên đã có 13/24 xã, thị trấn bị nhiễm dịch tả lợn (DTL) châu Phi, tổng số lợn chết và tiêu hủy 301 con của 56 hộ, với tổng trọng lượng 11.147 kg. Nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế và ô nhiễm môi trường cũng như để người dân không quay lưng với sản phẩm thịt lợn; huyện Vị Xuyên đã có nhiều biện pháp quản lý, kiểm soát việc kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn.
Thực hiện các thủ tục xuất bán lợn tại cơ sở chăn nuôi của ông Trịnh Quốc Huy, tổ 11, thị trấn Việt Lâm. |
Huyện Vị Xuyên hiện có khoảng 15.000 hộ, cơ sở chăn nuôi lợn với tổng đàn trên 84 nghìn con; trong đó, lợn thịt trên 70 nghìn con, lợn nái trên 13 nghìn con và lợn đực giống trên 800 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng trên 3.200 tấn. Như vậy, nhu cầu xuất bán lợn thịt rất lớn trong khi DTL châu Phi đang diễn biến ngày càng phức tạp. Trước tình hình đó, UBND huyện Vị Xuyên đã liên hệ với các địa phương lân cận để tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn theo đúng quy định của Nhà nước như ký kết với thành phố Hà Giang trong việc kinh doanh, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ lợn và sản phẩm từ lợn.
Đối với các xã, thị trấn đang có dịch, tất cả đàn lợn trước khi đưa đi tiêu thụ phải được xác định rõ nguồn gốc, xét nghiệm 100% mẫu bệnh phẩm phải âm tính với bệnh DTL châu Phi. Các cơ sở giết mổ được phép tiếp nhận, giết mổ lợn khỏe và có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính với bệnh DTL châu Phi từ cơ sở chăn nuôi lợn trong, ngoài vùng dịch. Phương tiện vận chuyển phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, không để thoát nước thải và chất thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển; dễ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc. Trước khi vận chuyển ra khỏi địa bàn huyện, lợn phải được cơ quan Thú y có thẩm quyền xác nhận và niêm phong (kẹp chì phương tiện, kẹp thẻ tai lợn). Vật dụng chứa, đựng sản phẩm từ lợn phải đảm bảo an toàn kỹ thuật đảm bảo nhiệt độ bảo quản đối với sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển… Việc lấy mẫu, bảo quản mẫu và vận chuyển mẫu phải tuân thủ nghiêm ngặt các bước: Máu tim, huyết thanh, dịch não tuỷ đựng trong ống nghiệm vô trùng.
Để lợn khỏe trong vùng dịch được xuất bán, UBND các xã, thị trấn đã chỉ đạo Trưởng ban Thú y phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức giám sát, lấy mẫu và gửi mẫu để xét nghiệm mầm bệnh. Đối với các hộ, cơ sở có nhu cầu phải đảm bảo 100% số lợn trong chuồng nuôi được lấy mẫu kiểm dịch trước khi xuất bán, giết mổ. Các hộ, cơ sở chăn nuôi lợn trước khi bán, vận chuyển lợn, giết mổ phải báo cơ quan Thú y địa phương để tổ chức giám sát và lấy mẫu xét nghiệm; đối với kết quả mẫu xét nghiệm, sau 10 ngày, nếu chủ hộ không giết mổ, xuất bán hết số lợn đã được lấy mẫu, phải lấy mẫu xét nghiệm lại theo quy định.
Sau khi ký kết, thỏa thuận với thành phố Hà Giang, ngày 14.6 vừa qua, những chuyến xe vận chuyển lợn thịt từ cơ sở chăn nuôi ở Vị Xuyên đã chuyển bánh lên thành phố Hà Giang, mang lại niềm vui cho các hộ chăn nuôi. Ngày 15 và 16.6, có 88 con lợn tại trang trại Gia Huy, thôn Lùng Sinh, xã Việt Lâm vận chuyển về lò mổ tập trung tại thành phố Hà Giang; các hộ chăn nuôi tai xã Đạo Đức cũng xuất bán với quy trình, thủ tục như trên… Niềm vui này dần lan tỏa đến nhiều hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện; từ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực của các cơ quan chuyên môn huyện Vị Xuyên, thành phố Hà Giang đã góp phần quan trọng, giảm tổn thất cho các hộ và ngành chăn nuôi trên địa bàn huyện.
Bài, ảnh: An Dương
Ý kiến bạn đọc