Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án OCOP
BHG - Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần thực hiện thành công Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và chương trình xây dựng Nông thôn mới.
Đoàn công tác Văn phòng Nông thôn mới T.Ư tham quan sản phẩm OCOP tại huyện Quản Bạ. |
Ngay sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai Chương trình OCOP năm 2019, Sở Nông nghiệp - PTNT chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP; bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm để các huyện, thành phố có cơ sở triển khai; phối hợp với các sở, ngành phân bổ kinh phí; đưa 40 sản phẩm của 13 HTX đăng ký thực hiện năm 2019 đi quảng bá và giới thiệu tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh; tham mưu cho UBND tỉnh thành lập 3 tổ giúp việc, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành thành viên tham mưu giúp UBND tỉnh chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung, nhiệm vụ như: Hoạt động khoa học công nghệ; an toàn thực phẩm; phát triển doanh nghiệp; phát triển HTX; khuyến công, khuyến nông; tập huấn, đào tạo đội ngũ cán bộ, chủ thể tham gia OCOP; hỗ trợ xúc tiến thương mại, phát triển đối tác OCOP.
Các huyện, thành phố đều ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể; đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và chu trình thực hiện tới các tầng lớp nhân dân; thành lập Ban chỉ đạo Chương trình OCOP cấp huyện, xã; thành lập bộ phận giúp việc; hướng dẫn các xã thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, các địa phương bổ sung chức năng, nhiệm vụ cho Ban chỉ đạo Chương trình xây dựng Nông thôn mới thực hiện đề án; cấp xã giao Chủ tịch UBND trực tiếp chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện; phân công cán bộ phụ trách OCOP gắn với nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới. Các huyện Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì, Quang Bình tổ chức Hội nghị tư vấn và tập huấn Chương trình OCOP, hướng dẫn khởi động chương trình với hàng trăm lượt người tham gia.
Đến nay, các huyện, thành phố đã lựa chọn, đăng ký 137 sản phẩm của 16 doanh nghiệp, 76 HTX, 9 tổ hợp tác, 36 hộ dân thực hiện trong năm 2019. Các sản phẩm được chia theo 6 nhóm, gồm: 70 sản phẩm nhóm thực phẩm; 45 sản phẩm nhóm đồ uống; 17 sản phẩm nhóm thảo dược... Huyện Quản Bạ đã xây dựng điểm giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và điểm giới thiệu, bán các sản phẩm đặc trưng; Hoàng Su Phì xây dựng quầy trưng bày sản phẩm hàng hóa và đồ lưu niệm phục vụ khách du lịch tại thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên; Xín Mần xây dựng và duy trì 3 gian hàng giới thiệu sản phẩm tại thành phố Hà Giang, Tuyên Quang và Thủ đô Hà Nội…
Năm 2019, tổng kinh phí UBND tỉnh hỗ trợ thực hiện đề án trên 23 tỷ đồng. Các huyện, thành phố đang thực hiện 3/6 bước trong chu trình OCOP thường niên, gồm: Tuyên truyền hướng dẫn; nhân ý tưởng sản phẩm và nhận kế hoạch kinh doanh. Hiện, đang tiến hành thẩm định kế hoạch kinh doanh cho các chủ thể của 137 sản phẩm để xây dựng danh mục hỗ trợ. Các bước tiếp theo, gồm: Triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá sản phẩm; xúc tiến thương mại sẽ được hoàn thành trong năm nay.
Đồng chí Hoàng Hồng Trường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kinh tế hợp tác chia sẻ: “Tuy bước đầu triển khai còn nhiều lúng túng, nhưng các ngành, các cấp đã quan tâm, vào cuộc, nhận thức đúng về tầm quan trọng, ý nghĩa của Chương trình OCOP. Trong thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền; củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức các cấp để quản lý, điều hành theo hướng chuyên nghiệp, gắn với nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới; triển khai chu trình OCOP thường niên; củng cố, nâng cấp, thành lập mới các tổ chức kinh tế tham gia chương trình; phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường; công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn vệ sinh thực phẩm; thiết kế bao bì, nhãn mác; tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; mã số, mã vạch; nhãn hiệu hàng hoá; đẩy mạnh xúc tiến thương mại; tập huấn và đào tạo nâng cao trình độ quản lý, năng lực sản xuất cho các chủ thể và cán bộ OCOP các cấp; lồng ghép các nguồn lực để ưu tiên hỗ trợ cho các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP”.
Bài, ảnh: AN GIANG
Ý kiến bạn đọc