Ban hành hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
BHG - Để tăng cường công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, ngày 30.5.2019, Sở NN&PTNT có Công văn số 680/SNN-CNTY về việc ban hành hướng dẫn vệ sinh, tiêu độc, khử trùng (VSTĐKT) tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, để tiêu diệt triệt để mầm bệnh, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe con người, hướng dẫn của Sở NN&PTNT đưa ra các nguyên tắc về VSTĐKT đối với người thực hiện phải có bảo hộ lao động phù hợp; hóa chất khử trùng ít độc hại với người và vật nuôi, môi trường, phù hợp với đối tượng khử trùng, tiêu độc, tiêu diệt được nhiều mầm bệnh; hóa chất sử dụng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam; đối tượng VSTĐKT là cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, hộ chăn nuôi lợn, phương tiện vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn, khu chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm bệnh hoặc nghi mầm bệnh, trạm, chốt kiểm soát ổ dịch, cơ sở giết mổ lợn, chợ buôn bán sản phẩm của lợn.
Hướng dẫn cũng chỉ rõ cách thức tiến hành VSTĐKT với cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, hộ có chăn nuôi lợn, phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn, khu chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm bệnh hoặc nghi mầm bệnh, khu vực thu gỏm xử lý chất thải của lợn, chốt kiểm soát ổ dịch, cơ sở giết mổ lợn, chợ buôn bán sản phẩm của lợn.
Sở NN&PTNT khuyến cáo, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm, do virus gây ra trên lợn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, hiện chưa có vác xin phòng bệnh. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, việc VSTĐKT là rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh. Do đó, đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn, người chăn nuôi triển khai thực hiện VSTĐKT tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
ĐT
Hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
Bệnh dịch tả lợn châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên lợn, gây thiệt hại lớn về kinh tế, hiện nay chưa có vắc xin để phòng bệnh. Trong công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, việc thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng là rất quan trọng để tiêu diệt triệt để mầm bệnh.
Sở Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi như sau:
1. Mục đích, yêu cầu
- Tiêu diệt triệt để mầm bệnh, bảo vệ động vật, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường sinh thái.
- Triển khai đồng loạt trên toàn địa bàn (vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp và vùng đệm) để tăng hiệu quả tiêu diệt mầm bệnh.
2. Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc
- Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động phù hợp.
- Hóa chất sát trùng ít độc hại đối với người, vật nuôi, môi trường; phải phù hợp với đối tượng khử trùng tiêu độc; có tính sát trùng nhanh, mạnh, kéo dài, hoạt phổ rộng, tiêu diệt được nhiều loại mầm bệnh.
- Trước khi phun hóa chất sát trùng phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học (quét dọn, cạo, cọ rửa).
- Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.
3. Loại hóa chất sử dụng
Hóa chất sát trùng trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.
Chi cục Chăn nuôi và Thú y cấp: Sakan – Povidine 10%, Benkocid.
Ngoài ra có thể sử dụng vôi bột, vôi tôi, nước vôi, xà phòng, nước tẩy rửa,...
- Đối với vôi bột: Rải đều phủ kín xung quanh chuồng trại chăn nuôi, hố ủ phân, lối đi, cổng ngõ ra vào hộ gia đình, ra vào chuồng trại chăn nuôi, với định mức 1kg/ m2; xử lý chất thải lỏng bằng vôi bột (nồng độ 20%).
- Đối với nước vôi: Hòa tan 1 - 2 kg vôi bột trong 10 lít nước sạch để tạo nước vôi. Tưới hoặc quét phủ đều nước vôi lên bề mặt cần được sát trùng (nền, tường, dụng cụ chăn nuôi…), với định mức 01 lít nước vôi/m2.
4. Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc
- Cơ sở chăn nuôi lợn tập trung.
- Hộ gia đình có chăn nuôi lợn.
- Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn.
- Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của lợn.
- Trạm, chốt kiểm soát ổ dịch.
- Cơ sở giết mổ lợn.
- Chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn.
5. Cách thức tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng
5.1. Cơ sở chăn nuôi lợn tập trung
- Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh
- Phun khử trùng tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
- Vệ sinh, khử trùng tiêu độc các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm, thức ăn,… trước khi ra, vào cơ sở.
5.2. Hộ gia đình có chăn nuôi lợn
- Quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Phun khử trùng tiêu độc toàn bộ khu vực nuôi nhốt và vùng phụ cận liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo.
- Vệ sinh sạch sẽ phương tiện và phun khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần vận chuyển.
5.3. Phương tiện vận chuyển lợn và sản phẩm của lợn: Vệ sinh cơ giới sạch sẽ và phun tiêu độc khử trùng trước và sau mỗi lần vận chuyển.
5.4. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy lợn, sản phẩm của lợn nhiễm, nghi nhiễm mầm bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của lợn: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau khi hoàn thành việc xử lý, chôn lấp và phun thuốc sát trùng toàn bộ khu vực và vùng phụ cận mỗi tuần 1 lần.
5.5. Chốt kiểm soát ổ dịch: Vệ sinh, tiêu độc khử trùng hàng ngày đối với phương tiện vận chuyển đi qua chốt trong thời gian có dịch.
5.6. Cơ sở giết mổ
- Toàn bộ khu vực nuôi nhốt phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng; phương tiện vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ.
- Nơi giết mổ phải được vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất; thu gom chất thải rắn để xử lý.
5.7. Chợ buôn bán lợn và sản phẩm của lợn
- Quét dọn và phun thuốc khử trùng khu vực buôn bán lợn, sản phẩm của lợn và các vật dụng liên quan cuối mỗi buổi chợ.
- Phương tiện, dụng cụ vận chuyển phải được phun thuốc khử trùng khi vào, ra khỏi chợ.
- Những quầy bán thịt phải được vệ sinh sạch sẽ trước và phun thuốc tiêu độc, sát trùng cuối mỗi buổi chợ.
- Quét dọn và xử lý chất thải rắn trong chợ bằng biện pháp chôn hoặc đốt.
Trên đây là hướng dẫn thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại vùng dịch của Sở Nông nghiệp và PTNT làm căn cứ để các huyện, thành phố triển khai thực hiện, đảm bảo hiệu quả công tác phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.
Ý kiến bạn đọc