Chương trình CPRP giúp người dân Hoàng Su Phì giảm nghèo bền vững
BHG - Bước sang năm thứ 5, Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) đồng hành cùng người dân Hoàng Su Phì trên chặng đường phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, chương trình đã đem lại nhiều hiệu quả thiết thực và tạo những dấu ấn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc; góp phần quan trọng làm thay đổi tư duy sản xuất, giúp người dân cải thiện thu nhập và từng bước ổn định đời sống.
Cơ sở chế biên tinh dầu Thanh Thanh Nhàn, xã Nậm Ty đi vào hoạt động đã bao tiêu sản phẩm, giúp các hộ yên tâm sản xuất. |
Chương trình CPRP được triển khai tại huyện Hoàng Su Phì từ năm 2015, trên địa bàn 8 xã, gồm: Nậm Ty, Hồ Thầu, Túng Sán, Sán Sả Hồ, Pờ Ly Ngài, Tụ Nhân, Chiến Phố, Pố Lồ. Đây là những xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp và được tập trung ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Sau hơn 4 năm triển khai, chương trình đã đem lại diện mạo mới cho các xã; cơ sở hạ tầng nông thôn dần được hoàn thiện, tư duy sản xuất của người dân đã có sự thay đổi tích cực, các mối liên kết trong sản xuất dần được hình thành...
Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động hơn 1 năm, nhưng Nhóm cùng sở thích (CIG) sản xuất và chế biến chè thôn Hợp Nhất, xã Túng Sán đã góp phần không nhỏ vào việc thay đổi tư duy sản xuất, hình thức canh tác, chế biến chè của người dân; từng bước mở rộng quy mô, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất theo hướng liên doanh, liên kết. Hiện, nhóm có 10 thành viên, với tổng diện tích chè 15,6 ha. Sau khi được hỗ trợ nguồn vốn 110 triệu đồng từ Chương trình CPRP, Ban Quản lý nhóm đã đứng ra liên hệ mua giống chè Shan tuyết trồng dặm vào những diện tích mất khoảnh, mua phân bón hữu cơ để cải tạo diện tích chè của nhóm, mua chung hệ thống máy móc để chế biến chè thành phẩm. Ban Quản lý nhóm còn liên hệ với các đại lý thu mua, tìm thị trường tiêu thụ để bán sản phẩm cho các thành viên. Nhờ vậy, đã tạo được đầu ra ổn định, góp phần nâng cao giá trị kinh tế từ cây chè bản địa.
Được thành lập từ tháng 4.2016, Nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài đã giúp 15 thành viên của nhóm được tiếp cận vốn vay để mở rộng quy mô sản xuất và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi; phòng, chống dịch bệnh đúng cách. Hiện, nhóm có 65 con bò, hộ ít khoảng 3 con; hộ nuôi nhiều nhất 11 con. 100% thành viên của nhóm đều chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, mỗi hộ trồng từ 1 – 2 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Các hộ mạnh dạn mua giống bò lai có tầm vóc, thể trạng tốt về nuôi. Có 4 hộ phát triển thành trang trại chăn nuôi, thường xuyên có khoảng 10 con trong chuồng. Nhóm liên thường xuyên liên kết với nhau để mua con giống và bán bò thịt cho các thương lái và các cơ sở giết mổ; nhờ đó, đã giúp giảm chi phí giảm, nâng cao thu nhập cho các hộ thành viên.
Để giúp người dân trong vùng dự án có nơi tiêu thụ sản phẩm, Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP của huyện lựa chọn 2 hộ kinh doanh có đủ năng lực để đồng tài trợ mua sắm máy móc, mở rộng nhà xưởng để nâng cao số lượng, chất lượng sản phẩm; đồng thời có trách nhiệm bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con. Điển hình như cơ sở chế biến tinh dầu Thanh Thanh Nhàn, thôn Tấn Sà Phìn, xã Nậm Ty; được Chương trình hỗ trợ hơn 600 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng và mua sắm máy móc. Cơ sở đã đứng ra hợp đồng cung ứng giống cây nghệ, gừng, xả và bao tiêu sản phẩm cho người dân các xã Nậm Ty, Nam Sơn, Nậm Dịch, Bản Péo… Hiện nay, mỗi ngày cơ sở tiêu thụ từ 1 – 2 tấn nguyên liệu, giúp người dân yên tâm sản xuất, không lo tình trạng “được mùa mất giá” như trước.
Trong năm 2018, Tổ hỗ trợ Chương trình CPRP huyện Hoàng Su Phì đã tiến hành khảo sát, thành lập mới được 25 nhóm CIG với trên 200 thành viên, tổng số vốn được giải ngân gần 3 tỷ đồng; nâng tổng số nhóm CIG được Chương trình tài trợ lên 80 nhóm và hơn 800 thành viên. Do được khảo sát, lập kế hoạch cụ thể, 80/80 nhóm CIG được chương trình hỗ trợ đều hoạt động hiệu quả; bước đầu đã có sản phẩm bán ra thị trường, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên. Cùng với đó, tổ còn phối hợp mở các lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hàng trăm lao động; thành lập mới 19 nhóm tiết kiệm tín dụng, nâng tổng số nhóm tiết kiệm tín dụng tại 8 xã vùng dự án lên 72 nhóm với trên 700 người tham gia, số vốn hơn 700 triệu đồng, giúp các hội viên có vốn để phát triển kinh tế gia đình. Chương trình cũng đã khởi công cứng hóa 3 tuyến đường với tổng chiều dài 4 km, góp phần cùng địa phương hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, giúp người dân thuận tiện trong việc đi lại và giao thương hàng hóa.
Có thể khẳng định, Chương trình CPRP được triển khai trên địa huyện Hoàng Su Phì đã tác động tích cực đến mọi mặt đời sống của người dân; góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn tại các xã đặc biệt khó khăn và đẩy nhanh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc