Chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu phi

11:25, 24/05/2019

BHG - Đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 2 xã Tân Trịnh (Quang Bình), Tiên Kiều (Bắc Quang) và đang có nguy cơ lây lan rất nhanh. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ngành chức năng khuyến cáo chính quyền địa phương và người dân, đặc biệt người chăn nuôi cần bình tĩnh, chủ động tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh, tránh gây ảnh hưởng đến cuộc sống.

Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y lấy mẫu bệnh phẩm.

Triệu chứng lâm sàng và bệnh tích

Để phát hiện lợn bị bệnh, xử lý nhanh, kịp thời, không để dịch bệnh lây lan, người dân cần nắm rõ các triệu chứng và bệnh tích của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra, hiện chưa có vắc - xin phòng bệnh, khả năng lợn bệnh bị chết cao. Lợn bị bệnh có các triệu chứng như: Sốt cao trên 40 độ, bỏ ăn, lười vận động, một số vùng da xuất huyết, phù nề; đặc biệt da ở vành tai, đuôi, cẳng chân, ngực và bụng có thể chuyển sang màu xanh tím; nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở, có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy có lẫn máu; xuất huyết nhiều tại các cơ quan bên trong. Virus gây ra bệnh dịch tả châu Phi có sức đề kháng cao trong môi trường; có khả năng kháng khuẩn; tồn tại 2 - 4 tháng trong cơ sở bị nhiễm bệnh và 5 - 6 tháng trong thịt bị nhiễm bệnh; bị tiêu diệt ở nhiệt độ 60oC trong 20 phút.

Cán bộ Trạm kiểm soát động vật Vĩnh Tuy phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và kiểm soát toàn bộ số lợn ngoại tỉnh vận chuyển vào địa bàn.
Cán bộ Trạm kiểm soát động vật Vĩnh Tuy phun hóa chất tiêu độc, khử trùng và kiểm soát toàn bộ số lợn ngoại tỉnh vận chuyển vào địa bàn.

Chủ động các phương án khi có dịch xảy ra

Trong giai đoạn này, người chăn nuôi cần theo dõi sát sao đàn lợn của gia đình; khi lợn có các triệu chứng bệnh như trên, tuyệt đối không điều trị; nhanh chóng cách ly lợn mắc bệnh; tiến hành phun hóa chất tiêu độc, khử trùng, vệ sinh toàn bộ khu chuồng trại chăn nuôi; không được vận chuyển lợn ra khỏi khu vực chuồng nuôi, tránh phát tán mầm bệnh. Thông báo khẩn cấp cho chính quyền địa phương và phối hợp để cơ quan chuyên môn tiến hành lấy mẫu kiểm dịch; tiến hành tiêu hủy toàn bộ đàn lợn mắc bệnh trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Người chăn nuôi trong vùng xã có dịch và vùng bị uy hiếp trong phạm vi 3 km xung quanh ổ dịch thực hiện vệ sinh tiêu độc, khử trùng liên tục 1 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên và 3 lần/tuần trong 2 – 3 tuần tiếp theo. Để dập dịch, ngăn chặn dịch lây lan, người dân cần thực hiện nghiêm nguyên tắc “5 không” trong phòng, chống dich bệnh: Không dấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.

Bên cạnh sự chủ động của người dân; cấp ủy, chính quyền địa phương phải quyết liệt vào cuộc; huy động lực lượng tại chỗ, triển khai nhanh các bước khoanh vùng, dập dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 15.11.2018 của UBND tỉnh về “Kế hoạch hành động, ngăn chặn và ứng phó khẩn cấp đối với khả năng xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi vào địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2018 – 2020” và Phương án số 09/PA-UBND ngày 27.3.2019 của UBND tỉnh về “Chủ động ứng phó với dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Giang”.

Dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm sang người

Hiện nay, các cấp, ngành và người chăn nuôi đang tích cực triển khai các giải pháp cấp bách khoanh vùng dập dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. UBND các huyện thành lập các chốt kiểm dịch tại các xã có dịch và địa bàn giáp ranh với các tỉnh, khu vực biên giới; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn; kiên quyết không cho nhập vào địa bàn các loại lợn và sản phẩm từ lợn không đầy đủ giấy tờ kiểm dịch theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Theo đánh giá của ngành chức năng, giá thịt lợn hiện tại chưa có nhiều biến động; tình hình giết mổ và tiêu thụ lợn thịt vẫn diễn ra bình thường. Toàn tỉnh hiện có gần 600 nghìn con lợn, với gần 200 trang trại, gia trại chăn nuôi quy mô trên 50 con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng hàng năm đạt trên 30.000 tấn; trong điều kiện số lượng lợn nhập vào địa bàn giảm mạnh, lợn vùng dịch bị cấm vận chuyển, thì sản lượng lợn nội tỉnh vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của người dân.

Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Trịnh Văn Bình, khẳng định: “Vi rút dịch tả lợn châu Phi không gây bệnh ở người. Người dân cần nâng cao nhận thức về dịch bệnh tả lợn châu Phi; bình tĩnh, không hoang mang, lo lắng, quay lưng với thịt lợn; nên sử dụng các sản phẩm thịt lợn an toàn, không bị bệnh dịch và được chế biến hợp vệ sinh. Người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; yên tâm chăn nuôi; không bán tháo đàn lợn khi lợn chưa đủ tuổi xuất chuồng; tránh để các tư thương lợi dụng dịch ép giá, gây thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng đến khả năng tái đàn”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Phong trào làm đường giao thông nông thôn ở Bắc Mê

BHG - Thực hiện phong trào xây dựng Nông thôn mới (NTM), đặc biệt là tiêu chí phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT); thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bắc Mê đã chung sức, đồng lòng tập trung xây dựng NTM; từng ngày làm "thay da đổi thịt" bộ mặt nông thôn. Nhờ đó, nhiều con đường bê-tông đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

24/05/2019
Bắc Quang xây dựng nông thôn hiện đại, văn minh

BHG - Điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp xu thế phát triển; thực hiện dồn điền, đổi thửa đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất ở trình độ ngày càng cao là những mục tiêu hàng đầu để Bắc Quang thực hiện thành công Chương trình mục tiêu Quốc gia về NTM... Hiện nay, huyện Bắc Quang đã thực hiện rà soát, điều chỉnh bổ sung xong công tác quy hoạch xây dựng NTM cho 21/23 xã, thị trấn; phù hợp xu thế phát triển xã hội hiện đại tầm nhìn 2020 – 2030 và được thực hiện gắn liền với tái cơ cấu sản xuất phát triển nông...

24/05/2019
Yên Phú phấn đấu trở thành đô thị loại IV

BHG - Tháng 5.2009, thị trấn Yên Phú (Bắc Mê) được thành lập; sau 10 năm, thị trấn đã phát triển rõ rệt về cơ sở hạ tầng, giao thông, y tế, giáo dục…Thị trấn Yên Phú được xác định là trung tâm chính trị, KT - XH của huyện Bắc Mê, điều này mở ra nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong đó, khó khăn lớn nhất là hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, thiếu điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa; giao thông chủ yếu là đường đất, một số đường liên thôn...

24/05/2019
Ghi từ vùng dịch

BHG - Dịch tả lợn châu Phi tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi; làm giảm nỗ lực xóa nghèo trên địa bàn tỉnh. Chỉ tính riêng thiệt hại về số lượng lợn tiêu hủy, theo thống kê sơ bộ tại 2 ổ dịch ở xã Tân Trịnh (Quang Bình) và Tiên Kiều (Bắc Quang) đã gây thiệt hại ước khoảng hơn 100 triệu đồng. Ông Vương Văn Vi, thôn Vén, xã Tân Trịnh, hộ phải tiêu hủy toàn bộ đàn lợn vì bị dịch tả cho biết: Sau khi biết thông tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Việt Nam...

24/05/2019