Xóa nghèo ở thành phố Hà Giang
BHG - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền thành phố (TP) Hà Giang; công cuộc xóa nghèo đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Qua đó, tạo tiền đề thúc đẩy KT - XH phát triển; để TPHG luôn xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh địa đầu Tổ quốc.
Chăn nuôi đại gia súc, giúp người dân thôn Hạ Thành (xã Phương Độ) nâng cao thu nhập. |
TP Hà Giang có 8 đơn vị hành chính, gồm 5 phường, 3 xã; với dân số trên 56.000 người. Năm 2010, qua tổng điều tra, rà soát hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2011 – 2015; toàn TP có 702 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 6,35% tổng số hộ. Đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 1,33% theo chuẩn nghèo đa chiều, giai đoạn 2016 – 2020. Mặc dù số hộ nghèo chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, song thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời luôn xem trọng việc lo cơm ăn, áo mặc cho đồng bào, coi đói, nghèo là thứ “giặc” đầu tiên phải diệt. Do vậy, cấp ủy, chính quyền TP luôn quan tâm công tác giảm nghèo nhanh và bền vững; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, phải được thực hiện thường xuyên, liên tục suốt quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển.
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền TP đã quyết liệt triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng NTM và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… Hàng năm, UBND TP đều xây dựng kế hoạch giảm nghèo và giao chỉ tiêu cho các xã, phường xây dựng kế hoạch tập trung lãnh, chỉ đạo và triển khai thực hiện. Qua các chính sách chăm lo toàn diện cho cuộc sống người nghèo, nhiều hộ nghèo đã nhận được sự hỗ trợ về sản xuất, dạy nghề, tạo việc làm; về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt; được trợ giúp pháp lý, thụ hưởng văn hóa, thông tin… Đặc biệt, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, công cuộc giảm nghèo đã nhận được sự đồng thuận của các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân và nhân dân trên địa bàn. Từ đó, phát huy nguồn lực trong xã hội để tập trung triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo; chung tay giúp đỡ người nghèo về vật chất, tinh thần hướng đến thoát nghèo bền vững.
Minh chứng điển hình cho thấy, từ năm 2016 đến nay, UBND TP Hà Giang đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam Chi nhánh tỉnh giải ngân vốn vay giải quyết việc làm cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ trung bình làm nông, lâm, ngư nghiệp; với tổng số tiền trên 62 tỷ đồng. Qua đó, góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển chăn nuôi, sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đặc biệt, từ chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: Y tế, giáo dục, nhà ở..., đã góp phần quan trọng giúp hộ nghèo từng bước nâng cao trình độ dân trí, cải thiện chất lượng cuộc sống. Trong đó, UBND TP đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt người nghèo; không những vậy, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo, đồng bào dân tộc sinh sống ở vùng sâu, vùng xa được khám, chữa bệnh đảm bảo chất lượng, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế, đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ y, bác sỹ về làm việc ở tuyến y tế cơ sở được quan tâm; đến nay, 100% trạm y tế xã của TP có bác sỹ công tác. Đặc biệt, nhờ thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà con em hộ nghèo trên địa bàn có điều kiện tham gia học tập, góp phần duy trì tỷ lệ trẻ từ 6 – 14 tuổi đến trường đạt trên 98%. Bên cạnh đó, từ sự chung tay của cả hệ thống chính trị và người dân, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ 40 hộ nghèo xóa nhà tạm để “an cư lạc nghiệp” với tổng số tiền trên 1,5 tỷ đồng.
Với nhiều giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững của cấp ủy, chính quyền sở tại; đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn TP chỉ còn 0,48%, tương đương 61 hộ; thu nhập bình quân đạt mốc 43 triệu đồng/người/năm (tăng 8 triệu đồng so với năm 2015). Đặc biệt, giảm nghèo nhanh và bền vững đã trở thành nội dung quan trọng trong các kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của cấp ủy, chính quyền TP xuyên suốt quá trình phát triển. Từ đó, hướng đến mục tiêu: Làm cho người nghèo thì đủ ăn, người đủ ăn thì khá, giàu; người khá giàu thì giàu thêm như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng kỳ vọng.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc