Xây dựng thương hiệu đặc sản địa phương
BHG - Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, nên tỉnh ta có điều kiện phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, chất lượng. Một số đặc sản được người tiêu dùng yêu chuộng, như: Cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà, thịt lợn đen; bò vàng, gạo Già dui, Thảo quả, các loại dược liệu, gạo nếp thơm… Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, tỉnh ta đang nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản.
Cam Sành được bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Trong ảnh: Vườn cam Sành xã Trung Thành - Vị Xuyên. |
Trước năm 2016, toàn tỉnh mới chỉ có 1 Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong Bạc hà và 81 nhãn hiệu; trong đó có 1 nhãn hiệu chứng nhận, 4 nhãn hiệu tập thể, còn lại là nhãn hiệu độc quyền. Các nhãn hiệu bảo hộ cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh tương đối ít, chủ yếu là các sản phẩm chè và rượu, như: Chè Hùng Cường, Hùng An, Thành Sơn, Fìn Hò trà; rượu ngô Thanh Vân, Mã Pì Lèng, rượu thóc Nàng Đôn… và một số nhãn hiệu độc quyền của các doanh nghiệp làm dịch vụ, như: Nhà Hàng Cơm Dân Tộc, Đông Tùng gas, Antimon…
Để nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sở hữu trí tuệ; tạo dựng, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; quản lý và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh, đầu năm 2016, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm đặc sản của tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, đến năm 2020, tỉnh ta sẽ đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp 4 Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm: Cam Sành, Hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già dui Xín Mần, chè Shan tuyết; 7 nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: Rau xanh, thịt lợn đen (thành phố Hà Giang); đậu tương, Thảo quả (Hoàng Su Phì); Hồng không hạt Na Khê (Yên Minh); Tam giác mạch, hoa Hồng (Đồng Văn) và 18 nhãn hiệu tập thể do các huyện, thành phố tự lựa chọn, chỉ đạo các tổ chức tập thể chủ động đăng ký bảo hộ.
Cụ thế hóa các giải pháp thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh, đến nay, tỉnh ta đã đăng ký bảo hộ thành công 4 Chỉ dẫn địa lý, đạt 100% kế hoạch; thẩm định, quản lý 6/7 dự án đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, trong đó có 2 dự án nghiệm thu và đăng ký bảo hộ thành công nhãn hiệu chứng nhận là Hồng không hạt Na Khê và một số sản phẩm từ Tam giác mạch. Các dự án còn lại đang triển khai thực hiện, dự kiến sẽ được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu vào năm 2019 và 2020. Một số tập thể tự xây dựng, nộp đơn và được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Nhiều doanh nghiệp, hộ gia đình được Sở KH&CN hướng dẫn nộp đơn đăng ký bảo hộ và hợp đồng với các đơn vị tư vấn dịch vụ sở hữu trí tuệ để đăng ký nhãn hiệu độc quyền.
Việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm cũng là giải pháp hiệu quả để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, lợi dụng thương hiệu sản phẩm đang tràn lan trên thị trường hiện nay; cam Sành Hà Giang là một ví dụ điển hình về việc bị lợi dụng thương hiệu. Là sản phẩm hàng hóa có chất lượng, được người tiêu dùng ưa chuộng; không ít lần cam Sành bị các thương lái lợi dụng, gắn mác để dễ tiêu thụ. Điều này, gây ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và khả năng cạnh tranh trên thị trường của sản phẩm cam Sành.
Để xây dựng và bảo vệ thương hiệu, các địa phương và ngành chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá và xây dựng Chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cam Sành. Tại hội nghị kết nối và tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 - 2019 được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 12.2018, những quả cam Sành thơm ngon, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được các HTX dán tem truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR cod, để tìm hiểu thông tin về sản phẩm. Từ đây, sản phẩm cam Sành đã được bảo hộ và thực sự có chỗ đứng bền vững trên thị trường.
Thực tế, việc xây dựng thương hiệu mang lại nhiều lợi ích. Trước hết, người dân được hướng dẫn và giám sát thực hiện các quy trình sản xuất sản phẩm đảm bảo chất lượng, uy tín; được cập nhật các thông tin cần thiết về thị trường và tham gia các hội chợ, triển lãm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt được pháp luật bảo vệ khi thương hiệu bị vi phạm; người tiêu dùng được mua các sản phẩm có chất lượng, rõ nguồn gốc xuất xứ…
Việc xây dựng thương hiệu là giải pháp sống còn để tạo lập, bảo tồn và phát triển giá trị, giúp sản phẩm đặc sản địa phương có sức cạnh tranh và có chỗ đứng bền vững trên thị trường. Hiện nay, với việc triển khai Chương trình OCOP, hy vọng ngày càng có nhiều sản phẩm đặc sản địa phương được xây dựng thương hiệu; góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc