Xây dựng các sản phẩm đặc trưng ở Pải Lủng
BHG - Ngoài việc xác định rõ cây, con chủ lực để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, chính quyền xã Pải Lủng (Mèo Vạc) đang nỗ lực xây dựng sản phẩm Đậu răng ngựa và tinh bột nghệ theo Chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm.
Lãnh đạo xã cùng người dân thôn Ngài Lầu thu hoạch Đậu răng ngựa. |
Trước khó khăn về thời tiết, khí hậu, ngoài diện tích trồng ngô, lúa, xã Pải Lủng tập trung chăn nuôi bò gắn với trồng cỏ; quan tâm phát triển đàn ong. Bên cạnh đó, xã xác định cây trồng đặc trưng là Đậu răng ngựa và cây Nghệ đen, Nghệ vàng; những loại cây này phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân.
Đậu răng ngựa được bà con trồng từ nhiều năm nay; loại cây này có thể tận dụng được thân, lá, quả; thường được trồng vào khoảng tháng 10 năm trước và cho thu hoạch vào tháng 3 năm sau. Do người dân chủ yếu sản xuất chính vào vụ Xuân – hè và thời điểm sau Tết thường thiếu thức ăn cho gia súc, nên việc trồng cây Đậu răng ngựa vào thời gian này không chỉ góp phần đảm bảo lương thực hàng ngày mà còn bổ sung thức ăn xanh cho đàn gia súc. Mặt khác, Đậu răng ngựa có thể trồng xen canh với cây ngô hoặc các loại hoa màu nên tận dụng được quỹ đất vốn ít ỏi ở miền đá xám. Anh Vàng Mí Say, thôn Ngài Lầu, xã Pải Lủng cho biết: “Hàng năm, sau khi thu hoạch ngô, gia đình tiến hành làm đất trồng Đậu răng ngựa. Vài năm trước chỉ trồng với diện tích nhỏ, nhưng nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, không tốn nhiều công chăm sóc, có thể phát triển tốt ngay cả khi thời tiết lạnh hoặc sương muối; nên năm nay, gia đình trồng gần 1 ha vừa phục vụ nhu cầu hàng ngày, vừa bán ra thị trường”.
Trên địa bàn xã Pải Lủng hiện có khoảng 10 ha Đậu răng ngựa được trồng tại các thôn, sản lượng đạt trên 15 tấn. Đậu răng ngựa có thể sử dụng ngay khi thu hoạch hoặc phơi khô, thời gian bảo quản lâu dài; giá bán bình quân từ 90 – 100 nghìn đồng/kg hạt khô. Nhận định đây là cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng, có tiềm năng phát triển lâu dài, xã Pải Lủng đang tập trung xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường, đưa Đậu răng ngựa trở thành một trong những cây chủ lực, giúp người dân tăng thu nhập. Đặc biệt, xã đang tích cực phối hợp với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng (xã Tả Lủng - Mèo Vạc) đóng gói hạt Đậu răng ngựa khô, đưa ra thị trường vào dịp Lễ hội Chợ tình Khâu Vai năm 2019.
Đồng chí Lý Văn Đông, quyền Chủ tịch UBND xã Pải Lủng cho biết: Ngoài cây Đậu răng ngựa, xã đang chú trọng phát triển cây Nghệ đen, Nghệ vàng và đã xây dựng mô hình trồng 2 ha nghệ tại thôn Tà Làng. Nhận thấy đây là loại cây dễ trồng, cho giá trị kinh tế cao, người dân đang có xu hướng mở rộng diện tích ở một số thôn phù hợp về điều kiện đất đai. Trước đây, người dân thường chế biến nghệ thành bột và chủ yếu bán phục vụ khách du lịch. Nhằm nâng cao giá trị từ cây nghệ, xã đã vận động một số gia đình chế biến thành tinh bột và đưa sản phẩm trở thành hàng hóa. Hiện, bột nghệ được người dân bán với giá 200 nghìn đồng/kg, tinh bột nghệ có giá 1 triệu đồng/kg; nhiều gia đình có cuộc sống khá giả từ phát triển cây nghệ.
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền xã Pải Lủng trong việc phát huy tiềm năng, thế mạnh, nhất là xác định rõ cây trồng đặc trưng để tổ chức sản xuất hàng hóa đang giúp nhân dân thay đổi tư duy, tạo động lực để người dân chủ động vươn lên xóa đói, giảm nghèo.
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc