Phát triển chăn nuôi - hướng thoát nghèo của người dân Mèo Vạc
BHG - Trước những bất lợi về địa hình hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, huyện Mèo Vạc xác định phát triển chăn nuôi là một những hướng đi chính trong phát triển kinh tế. Với việc thực hiện hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, địa phương đã từng bước xây dựng bước đi vững chắc trên con đường thoát nghèo.
Ông Hờ Vả Chơ, thôn Há Chế, xã Sủng Trà chăm sóc đàn bò của gia đình. |
Cụ thể hóa Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh, huyện Mèo Vạc đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện; trên cơ sở xác định rõ cây, con thế mạnh và tập trung phát triển đàn bò, đàn ong; xây dựng các kế hoạch phát triển chăn nuôi như: Thụ tinh nhân tạo cho đàn bò, lợn; chuyển đổi diện tích đất trồng ngô sang trồng cỏ; phát triển gia trại nuôi lợn, gà; phát triển cây Bạc hà gắn với nuôi ong. Đồng thời, lồng ghép nguồn vốn từ các chính sách hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh với nguồn vốn của huyện để thực hiện. Mặt khác, Mèo Vạc đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã về thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp; xây dựng kế hoạch thực hiện từng năm; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các ngành và địa phương.
Đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc, cho biết: Để thay đổi tư duy sản xuất của người dân, huyện thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các xã tuyên truyền tới cán bộ, đảng viên và nhân dân; lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, họp chi bộ, cơ quan. Do đó, ngành Nông nghiệp huyện phát triển ổn định và có bước tăng trưởng khá; cơ cấu chuyển dịch đúng hướng; giá trị sản xuất chăn nuôi tăng, chiếm khoảng 45,46% cơ cấu ngành Nông nghiệp. Các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi bò, ong, lợn. Các tiến bộ khoa học, kỹ thuật được ứng dụng vào chăn nuôi, như: Xây dựng chuồng trại có xử lý chất thải, sử dụng đệm lót sinh học, xây bể bi-ô-ga, tiêm phòng dịch bệnh cho gia súc, gia cầm…
Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp có thể nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong phát triển chăn nuôi cũng như tư duy sản xuất của người dân. Đến nay, đàn trâu, bò so với năm 2015 tăng trên 2.300 con, tăng trưởng bình quân 4 - 5%/năm; thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt trâu, bò, lợn được mở rộng. Việc triển khai thụ tinh nhân tạo được đẩy mạnh; đã có hàng trăm con bê được sinh ra từ phương pháp này; đàn ong phát triển mạnh, nhiều gia đình mạnh dạn vay vốn đầu tư quy mô lớn. Điều đáng nói, tập quán canh tác truyền thống mang tính nhỏ lẻ của người dân đang dần được thay thế bằng sản xuất hàng hóa. Ông Hờ Vả Chơ, thôn Há Chế, xã Sủng Trà là một trong số những người mạnh dạn chuyển đổi trồng ngô sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi bò; gia đình ông thường xuyên duy trì nuôi trên 5 con bò theo hình thức nuôi nhốt vỗ béo. Ông Chơ cho biết: “Do diện tích nương trồng ngô chỉ đủ lương thực phục vụ bữa ăn hàng ngày, đời sống khó khăn nên gia đình đã tích cực chăn nuôi gia súc. Trong thôn, giờ nhiều người đã thay đổi nuôi bò, từ chỗ nuôi một con để cày nương giờ biết nuôi nhiều bò hơn, trồng nhiều cỏ hơn nên không còn lo nhiều về cái đói, cái nghèo nữa”.
Ngoài ra, huyện Mèo Vạc chú trọng phát triển đàn lợn đen Lũng Pù – vật nuôi cho thực phẩm thơm, ngon nổi tiếng. Qua tìm hiểu, trên địa bàn huyện, hiện số lượng đàn lợn đen thuần chủng bị suy giảm và đối mặt với nguy cơ thoái hóa nhanh do bị lai tạp; giao phối cận huyết dẫn đến suy giảm về khả năng sinh sản, tỷ lệ thụ thai, số con sinh ra trên lứa thấp; công tác nuôi dưỡng, chăm sóc của người dân còn hạn chế; chuồng nuôi không đảm bảo; dinh dưỡng mất cân đối nên tốc độ sinh trưởng chậm, hiệu quả chăn nuôi thấp. Để hình thành vùng chăn nuôi lợn tập trung và cung cấp giống lợn đen Lũng Pù cho thị trường trong và ngoài huyện, Mèo Vạc đã xây dựng trại nhân giống với hệ thống chuồng trại quy mô 10 gian, đảm bảo nuôi 40 con lợn nái sinh sản; xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí mua giống theo hình thức đầu tư có thu hồi tại 2 thôn Sảng Chải A, Sảng Chải B, xã Lũng Pù; hỗ trợ kinh phí thuốc thú y, kỹ thuật chăm sóc nhằm giảm tỷ lệ lợn con chết sau sinh.
Với mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án nửa triệu con đại gia súc của tỉnh, huyện Mèo Vạc đang tiến hành quy hoạch diện tích đất canh tác kém hiệu quả, đất trống, đất có độ dốc lớn và có nguy cơ sạt lở cao sang trồng cỏ làm thức ăn gia súc; đa dạng hóa cơ cấu giống cỏ; đẩy mạnh các biện pháp kỹ thuật, nhất là khâu chăm sóc, bón phân, thu hoạch nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng cỏ; tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân bảo quản và chế biến, dự trữ nguồn thức ăn cho gia súc; hướng đến xây dựng quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng sản xuất giống vật nuôi chất lượng cao…
Bài, ảnh: KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc