Xã Sủng Trà đẩy mạnh thụ tinh nhân tạo trong chăn nuôi gia súc
BHG - Xác định áp dụng khoa học kỹ thuật thụ tinh nhân tạo (KHKT TTNT) trong chăn nuôi sẽ lựa chọn được giống tốt, bê con khi sinh ra sẽ có sức đề kháng cao với dịch bệnh, sinh trưởng và phát triển tốt; thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Sủng Trà (Mèo Vạc) đã tuyên truyền, vận động người dân tích cực áp dụng KHKT TTNT trong chăn nuôi.
Lãnh đạo xã Sủng Trà kiểm tra mô hình nuôi bò sinh sản áp dụng thụ tinh nhân tạo của gia đình anh Vừ Mí Pủa. |
Được biết, lúc đầu mới triển khai việc áp dụng KHKT TTNT cho đàn gia súc trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, do người dân chưa hiểu ý nghĩa, kết quả của việc áp dụng KHKT TNTN; nhiều người không chủ động báo cho cán bộ dẫn tinh viên (DTV) khi gia súc đến thời kỳ phát dục, tự ý cho đàn gia súc phối giống đến khi không thành công mới báo cán bộ DTV làm ảnh hưởng đến kết quả phối giống bằng phương pháp TTNT… Để khắc phục những khó khăn trên, cấp ủy, chính quyền xã phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho người dân hiểu được hiệu quả từ phương pháp TTNT; mua sắm các vật dụng như, bình ni – tơ bảo quản tinh, súng bắn tinh, ống gen, dầu bôi trơn, các vật dụng bảo hộ lao động; tăng cường đào tạo năng lực, kỹ thuật cho đội ngũ DTV; niêm yết số điện thoại cán bộ DTV ở các nhà văn hóa thôn, nhà người có uy tín… Qua 3 năm triển khai và thực hiện, toàn xã đã thực hiện TNNT cho trên 100 con bò, trong đó có 62 bê con đã được sinh ra; hơn 40 con đang trong thời kỳ chửa và 20 con đang trong thời kỳ theo dõi.
Đồng chí Nguyễn Gia Vịnh, Chủ tịch UBND xã Sủng Trà cho biết: Hiện nay toàn xã có 1.500 con bò; 2.225 con lợn; 2.485 con dê; 700 đàn ong. Xã luôn xác định chăn nuôi là hướng đi mũi nhọn, chiếm tỷ trọng cao trong tái cơ cấu kinh tế, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân về hiệu quả các chính sách, nguồn vốn vay ưu đãi. Từ năm 2016 đến nay đã có 50 hộ được vay vốn từ Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng; 30 hộ đã được hỗ trợ bò giống theo Chương trình 30a; chuyển đổi 7,5 ha/7 hộ có diện tích đất sản xuất kém năng suất sang trồng cỏ gắn với nuôi bò hàng hóa theo Đề án 07 của BCH Đảng bộ huyện với số tiền hỗ trợ trên 140 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, với sự vào cuộc tích cực của các ban, ngành, đoàn thể xã trong việc tuyên truyền, vận động, nhất là sự đồng thuận của người dân đã làm thay đổi tư duy chăn nuôi truyền thống sang áp dụng KHKT TTNT trong chăn nuôi của người dân. Từ đó, tạo hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất, chăn nuôi. Anh Vừ Mí Pủa, thôn Há Chế chia sẻ: “Năm 2017, gia đình tôi vay 60 triệu từ Nghị quyết 209 để mua 3 con bò thực hiện theo mô hình nuôi bò sinh sản. Được sự tư vấn của chính quyền xã, khi nhận thấy bò có biểu hiện phát dục, gia đình đã báo cáo cho cán bộ DTV xuống để tiến hành phối giống bằng phương pháp TTNT. Giờ gia đình tôi đã có một con bê được sinh ra bằng phương pháp TTNT và một con đang trong thời kỳ mang thai. Qua theo dõi, gia đình tôi thấy con bê được sinh ra bằng phương pháp TTNT phát triển khỏe mạnh, không hay ốm như những con bê được sinh ra bằng phương pháp phối giống tự nhiên. Gia đình tôi vui lắm!”.
Việc áp dụng KHKT TTNT trong chăn nuôi sẽ khắc phục triệt để tình trạng suy thoái đàn gia súc do giao phối cận huyết, góp phần tăng dáng vóc, sinh trưởng, sức đề kháng với dịch bệnh. Qua đó, giúp người dân yên tâm phát triển các mô hình chăn nuôi hàng hóa, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: Hoàng Tuyến
Ý kiến bạn đọc