Cam Sành Vị Xuyên vào vụ
BHG - Những ngày này, dạo bước trong vườn cam chín mọng tại các xã Trung Thành, Việt Lâm (Vị Xuyên); thưởng thức những quả cam ngon, ngọt đậm vị được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cảm nhận niềm vui được mùa và lắng nghe “tiếng lòng” của người trồng cam nơi đây mới hiểu giá trị của thứ quả đặc sản này.
Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Giám đốc HTX Minh Thành giới thiệu quy trình sản xuất cam Sành theo tiêu chuẩn VietGap. |
HTX sản xuất Nông, lâm nghiệp Minh Thành (HTX Minh Thành), thôn Minh Thành, xã Trung Thành là một trong 2 HTX sản xuất cam Sành lớn nhất của huyện. HTX Minh Thành hiện đang đầu tư, phát triển 43ha cam Sành, trong đó có 4ha được cấp Chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Mạnh Huỳnh, Giám đốc HTX Minh Thành, người vừa đoạt giải Nhất Hội thi cam Sành huyện Vị Xuyên chia sẻ: “Cam Sành là cây trồng chủ lực giúp nhiều thành viên HTX Minh Thành nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Cam là loại cây dễ sống, dễ chăm sóc; nhưng hiện nay, thời tiết diễn biến bất thường; để có những vườn cam trĩu quả, đặc biệt đảm bảo an toàn, chất lượng, người trồng cam phải chăm chút từ việc chọn giống, cải tạo đất, chăm bón theo từng giai đoạn, phòng trừ sâu, bệnh; thường xuyên học hỏi, nâng cao trình độ kỹ thuật trồng và chăm sóc cam; tuân thủ quy trình sản xuất theo têu chuẩn VietGAP”.
Dẫn chúng tôi tham quan các vườn cam của HTX, ông Huỳnh nâng niu từng quả cam, giới thiệu cụ thể tuổi cây, quá trình chăm sóc, thu hoạch. Là người trồng cam lâu năm, đồng thời làm Phó Chủ tịch Hiệp Hội cam Sành Hà Giang, ông Huỳnh luôn trăn trở về thị trường cho sản phẩm cam Sành. Ông chia sẻ thêm: “Đối với HTX Minh Thành, đầu ra không đáng ngại vì sản lượng chưa lớn, chỉ gần 300 tấn; nhưng kênh tiêu thụ chung của cam Sành Vị Xuyên nói riêng và Hà Giang nói chung vẫn chủ yếu là kênh bán lẻ; thương lái vào mua tận vườn; tiêu thụ tại một số siêu thị ở Hà Nội và bán tại gian hàng cam Sành của huyện. Người trồng cam vẫn phải tự tìm kiếm thị trường, giá cả rất bấp bênh nên chưa yên tâm sản xuất”.
Trên địa bàn huyện Vị Xuyên hiện có gần 600 ha cam Sành; năng suất bình quân đạt từ 8 – 10 tấn/ha; trồng tập trung ở các xã: Trung Thành, Việt Lâm, Quảng Ngần và hiện đang được mở rộng ra các xã: Bạch Ngọc, Ngọc Linh, Linh Hồ và thị trấn Vị Xuyên; trong đó, trên 80 ha được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với năng suất đạt trên 15 tấn/ha. Niên vụ 2018 – 2019, sản lượng cam Sành toàn huyện ước đạt trên 1.000 tấn.
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp, huyện Vị Xuyên chọn cam Sành là một trong những cây trồng chủ lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, vì vậy, huyện đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích người dân phát triển cây cam; đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất cam phù hợp theo hướng hữu cơ, VietGAP để nâng cao giá trị sản phẩm; đầu tư phát triển các cơ sở sơ chế và bảo quản; tập trung phát triển cam theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm; thành lập các HTX, tổ hợp tác sản xuất cam.
Cam Sành Vị Xuyên được người tiêu dùng đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng; nhưng thị trường tiêu thụ chưa ổn định; chưa có liên kết bền vững giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đầu mối. Diện tích dù đã được quy hoạch nhưng còn manh mún, nhỏ lẻ; việc tiếp cận các nguồn chính sách ưu đãi đầu tư sản xuất cam còn ít. Về định hướng phát triển cam trong thời gian tới, Bí thư Huyện ủy Vi Hữu Cầu cho biết: “Để đẩy mạnh phát triển bền vững cam Sành, huyện tập trung chỉ đạo các địa phương đầu tư sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; mục tiêu lấy chất lượng làm tiêu chí để bảo vệ và phát triển thương hiệu cam Sành Vị Xuyên; tiếp tục quy hoạch vùng trồng cam tập trung để sản xuất hàng hóa; áp dụng KHKT, đẩy mạnh thâm canh để nâng cao năng suất; hỗ trợ liên kết thị trường và quảng bá, xúc tiến thương mại; triển khai dán tem chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong phát triển và bảo vệ thương hiệu cam sành Hà Giang”.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc