Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức khảo nghiệm thành công một số giống lạc mới
BHG - Nhằm bổ sung thêm giống lạc mới có năng suất cao, chất lượng tốt vào cơ cấu giống của tỉnh; vụ Hè - thu năm 2018, Trung tâm Khoa học kỹ thuật (KHKT) Giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên) tiến hành thực hiện Dự án Khảo nghiệm một số giống lạc mới và liên kết khai thác thương mại sản xuất giống lạc cho năng suất, chất lượng cao tại xã Tiên Yên (Quang Bình). Qua khảo nghiệm, những giống lạc được lựa chọn đều thích ứng với điều kiện tại các vùng sản xuất.
Thu hoạch lạc khảo nghiệm tại xã Tiên Yên (Quang Bình). |
Để đánh giá thực chất về các giống lạc mới, Trung tâm đã tiến hành khảo nghiệm cả 2 loại hình là: Khảo nghiệm cơ bản và Khảo nghiệm sản xuất. Đối với khảo nghiệm cơ bản, các giống lạc được lựa chọn đưa vào dự án là các giống: L14, CP1, CP2 và L32; trong đó, L14 là giống đối chứng (GĐC). Các giống lạc khảo nghiệm cơ bản được gieo trồng vào ngày 10.8 và có thời gian sinh trưởng dao động từ 105 -107 ngày; giống lạc L14 và L32 có thời gian sinh trưởng ngắn nhất là 105 ngày; giống CP2 có thời gian sinh trưởng dài nhất 107 ngày. Các giống khảo nghiệm đều có chiều cao dao động từ 42,1 – 57,6 cm. Số cành cấp 1 dao động từ 4,2 – 4,8 cành. Tất cả các giống trong quá trình khảo nghiệm có tỷ lệ nhiễm bệnh ở mức nhẹ đối với các loại bệnh: Bệnh héo xanh, thối đen cổ rễ và thối quả; chịu hạn khá, chịu úng ở mức trung bình. Qua thu thập số liệu, năng suất của giống CP1 đạt 33 tạ/ha, cao hơn GĐC L14 (năng suất của GĐC là 27 tạ/ha) khoảng 18,2%. Giống CP2 đạt 31 tạ/ha, cao hơn GĐC 12,9 %. Giống L32 năng suất trung bình đạt 28 tạ/ha, cao hơn GĐC 6,9%). Trong quá trình thực hiện, đầu vụ mưa lớn kéo dài nên việc gieo trồng theo đúng thời vụ bị chậm so với tiến độ, nên có ảnh hưởng nhất định đến sự sinh trưởng, phát triển và năng suất của các giống lạc. Sau khi gieo hạt, độ ẩm trong đất cao, tạo điều kiện cho nấm bệnh phát triển. Đến thời kỳ ra hoa, kết quả và thời kỳ chín, thời tiết tương đối thuận lợi cho quá trình đậu quả, vào hạt chắc.
Các giống lạc khảo nghiệm. |
Đối với khảo nghiệm sản xuất, Trung tâm lựa chọn giống L27, L29 và L14 GĐC thực hiện trên diện tích 3 ha là đất thịt nhẹ; mật độ trồng từ 35 - 40 khóm/m2. Qua theo dõi sinh trưởng của các giống khảo nghiệm, Trung tâm đã có những đánh giá cụ thể cho từng loại giống. Đối với L27 có thời gian sinh trưởng, phát triển từ 90 – 100 ngày; năng suất thực thu đạt 31 tạ/ha, cao hơn GĐC L14 là 4 tạ/ ha (năng suất GĐC ước đạt 27 tạ/ha), độ đồng đều của hạt ở mức trung bình, sinh trưởng và phát triển tốt, bị nhiễm nhẹ một số bệnh như bệnh gỉ sắt, đốm đen, bệnh thối đen cổ rễ, bệnh héo xanh và bệnh thối quả do nấm, tỷ lệ nhiễm bệnh tương đương GĐC, khả năng chịu hạn tốt, chịu úng trung bình. Giống lạc L29 có thời gian sinh trưởng, phát triển từ 90 – 100 ngày, năng suất thực thu ước đạt 32 tạ/ha cao hơn GĐC 5 tạ/ha, độ đồng đều của hạt trung bình, sinh trưởng và phát triển tốt, bị nhiễm nhẹ một số bệnh.
Người dân thực hiện dự án đều đánh giá cao cả 2 giống lạc trên về những tiêu chí: Cây sinh trưởng, phát triển khỏe, kiểu hình cây đẹp; khả năng chống chịu sâu bệnh hại khá; chi phí về phân bón và công lao động không cao so với giống địa phương; màu vỏ hạt đẹp, dễ được thị trường chấp nhận; số củ trên cây nhiều, năng suất cao.
Như vậy, các giống lạc CP1, CP2, L32 qua khảo nghiệm cơ bản, các giống L27, L29 đều là những giống lạc mới có tiềm năng về năng suất; khả năng chống chịu sâu bệnh hại tương đương GĐC. Ông Vũ Văn Hiếu, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Đối với các giống CP1, CP2, L32 qua 1 vụ khảo nghiệm cơ bản, được đánh giá là giống có triển vọng, đề nghị kết hợp với khảo nghiệm sản xuất theo quy định trong hệ thống Quốc gia để đánh giá khả năng mở rộng sản xuất ở các vùng sinh thái trong tỉnh. Giống L27, L29 có năng suất cao phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu và canh tác tại Hà Giang. Đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT Hà Giang xem xét bổ sung 2 giống lạc mới vào cơ cấu giống của tỉnh.
Bài, ảnh: AN DƯƠNG
Ý kiến bạn đọc