Thông Nguyên nỗ lực giữ vững thành quả
BHG - Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; năm 2015, xã Thông Nguyên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì cán đích Nông thôn mới (NTM). Hiện, cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; quyết tâm giữ vững thành quả NTM của địa phương.
Người dân thôn Giàng Thượng, xã Thông Nguyên thu hái chè. |
Trở lại Thông Nguyên sau hơn 3 năm xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ nét trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. Những ngôi nhà mới xây khang trang mọc lên san sát, đường bê – tông trải dài khắp các thôn, xóm, cánh đồng; những vườn chè Shan tuyết được chăm bón xanh tốt, mang lại mùa no ấm cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Anh Triệu Tạ Quyên, thôn Nậm Hồng hồ hởi, cho biết: “NTM đã giúp cuộc sống của chúng tôi thực sự đổi mới; giờ đây, đường bê – tông được trải đến tận những cánh đồng; giúp việc sản xuất được thuận tiện hơn. Các cháu được học tập trong ngôi trường khang trang, những người già, người ốm được chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhờ Trạm Y tế xã được xây mới với đầy đủ trang, thiết bị khám, chữa bệnh. Người dân, ai nấy đều phấn khởi bàn chuyện trồng cây gì, nuôi con gì để đem lại hiệu quả kinh tế. Thấy quê hương đổi mới, chúng tôi vui mừng lắm…”.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ 4 tiêu chí đạt ban đầu; sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí. Đây là thành quả đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc xã Thông Nguyên. Vui mừng với thành tích đạt được, nhưng cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định: Xây dựng NTM là công việc phải được tiến hành thường xuyên và liên tục chứ không phải công nhận xong là kết thúc. Vì vậy, những năm qua, chính quyền địa phương luôn nỗ lực tìm các giải pháp để giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí đã đạt.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Vũ Thế Phương, Chủ tịch UBND xã Thông Nguyên cho biết: “Hàng năm, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã đều xây dựng kế hoạch và đưa ra các giải pháp cụ thể để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; trong đó, tập trung vào các tiêu chí dễ biến động như: Môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, an ninh trật tự... Xác định rõ, xây dựng NTM với mục đích cuối cùng là làm cho đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; vì vậy, chính quyền địa phương luôn tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động, hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề nhằm làm thay đổi tư duy sản xuất của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nhân dân nâng cao ý thức trong việc chung tay, góp sức giữ vững thành quả NTM”.
Đối với các tiêu chí: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người, xã đang tập trung vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Cây chè được xá định là cây trồng chủ lực của xã. Hiện, toàn xã có trên 655 ha chè, diện tích cho thu hoạch là gần 493 ha; sản lượng đạt hơn 2.000 tấn chè búp tươi/năm. Chính quyền xã đang tích cực vận động nhân dân chăm sóc, thu hái theo đúng quy trình kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm giữ vững thương hiệu chè Shan tuyết của địa phương. Với nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, Thông Nguyên đang tập trung nhiều giải pháp để phát triển du lịch thành ngành kinh tế “mũi nhọn” như: Đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trong các cơ sở lưu trú đảm bảo phục vụ du khách; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch như: Đồ thủ công mỹ nghệ, hàng thổ cẩm, sản phẩm nông sản… Qua đó, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Đối với các tiêu chí như: Môi trường, an ninh trật tự, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của nhân dân thông qua việc phát động các phong trào “Nhà sạch, vườn đẹp”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Từ đó, nhận được sự hưởng ứng và tham gia tích cực từ các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền xã tiếp tục ưu tiên nguồn lực củng cố hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, như: Thủy lợi, giao thông, nhà văn hóa thôn, bản, trường học, trạm y tế… Đồng thời, chú trọng nâng cao đời sống tinh thần cho người dân thông qua việc phát động các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể thao; tổ chức các cuộc sinh hoạt cộng đồng tại nhà văn hóa thôn, bản. Qua đó, không những tạo môi trường sống lành mạnh mà còn góp phần gắn kết cộng đồng, phát huy sự đoàn kết, đồng thuận trong nhân dân…
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc