Phát huy hiệu quả vốn vay ở xã biên giới Bạch Đích
BHG - Xuất phát điểm từ hộ chăn nuôi gia súc nhỏ lẻ, gia đình anh Nguyễn Sinh Dương (sinh năm 1977), thôn Na Sàng 3, xã Bạch Đích (Yên Minh), hiện có quy mô chăn nuôi lớn nhất xã. Theo anh Dương, kết quả này đều nhờ nguồn vốn vay của Agribank Yên Minh theo chính sách Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh.
Trâu vỗ béo của anh Dương chuẩn bị xuất bán. |
Từ năm 2016 trở về trước, gia đình chủ yếu sống bằng gieo trồng ngô, lúa và đi làm thuê. Sau đó, được sự tuyên truyền, vận động của xã, anh vay 60 triệu đồng của Agribank Yên Minh mua 3 con bò về nuôi theo hướng vỗ béo. Nhận thấy hiệu quả từ chăn nuôi gia súc, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, ngành, anh Dương tiếp tục đăng ký vay thêm 300 triệu đồng để tăng đàn. Ngoài ra, anh vay mượn thêm của người thân 200 triệu đầu tư con giống, xây dựng các hạng mục, mua thức ăn cho đàn gia súc.
Hệ thống chuồng trại của gia đình anh Dương nuôi được 50 con trâu, bò. |
Hiện nay gia đình anh Dương có 26 con bò, 10 con trâu. Trong đó, 5 con bê được sinh ra từ đàn bò giống đầu tư bằng nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209. Anh Dương cho biết: Lần đầu vay vốn, tôi chỉ mua được 3 con trâu, bò; sau đó vay thêm và mua được hơn 10 con. Đàn bò tôi chủ yếu nuôi sinh sản, những con gầy sẽ vỗ béo và bán. Riêng đàn trâu hoàn toàn nuôi vỗ béo hoặc bán ngay khi có lãi nhằm quay vòng vốn nhanh. Gần 2 năm chăn nuôi, đàn gia súc của gia đình phát triển tương đối ổn định; thu nhập đạt gần 100 triệu đồng/năm.
Được biết, để phát triển chăn nuôi, anh Dương và vợ đã quyết định rời nhà chính ở khu vực trung tâm xã, đến đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ ở nương ngô của gia đình tại thôn Na Sàng 3. Hiện nay, gia trại của gia đình được xây dựng trên diện tích rộng gần 3 ha; trong đó, gần 200 m2 xây dựng chuồng trại, còn lại trồng cỏ và không gian chăn thả gia súc.
Chủ tịch UBND xã Bạch Đích Trần Văn Thắng cho biết: Với điều kiện một xã biên giới, cách trung tâm huyện trên 30 km, nhiều lao động địa phương không mặn mà phát triển kinh tế ở quê hương. Từ thực tiễn đó, chúng tôi tích cực tuyên truyền, vận động các gia đình vận dụng chính sách của tỉnh, huyện để phát triển các cây, con thế mạnh. Nhiều gia đình đã xây dựng các mô hình kinh tế hay như trồng rau nhà lưới; hình thành các Nhóm sở thích nuôi gà, lợn. Gia đình anh Dương là một trong những hộ tiêu biểu nhất của xã khi mạnh dạn đầu tư, vay vốn lớn để phát triển chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa. Cấp ủy, chính quyền xã rất muốn từ mô hình này, có thêm nhiều hộ mạnh dạn làm theo, nhằm thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống người dân vùng biên giới.
Bài, ảnh: Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc