Nông nghiệp Hà Giang hội nhập kinh tế quốc tế
BHG – Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh có bước phát triển vượt bậc, hướng tới hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nhân dịp đầu năm mới 2019, phóng viên (P/v) Báo Hà Giang có cuộc phỏng vấn đồng chí (Đ/c) Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh về chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.
P/v: Xin đồng chí cho biết mục tiêu cụ thể của tỉnh trong việc thực hiện chương trình hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp?
Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Mục tiêu trước hết đó là nâng cao nhận thức về tác động của hội nhập quốc tế đến các thành phần kinh tế, các hộ dân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, chăn nuôi một cách bền vững, hiệu quả, dựa trên lợi thế vùng miền và khả năng cạnh tranh, hạn chế tác động bất lợi của hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với biến đổi khí hậu hiện nay; xúc tiến, mở rộng các thị trường cho hàng nông sản xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Phát triển doanh nghiệp, HTX, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thu hút đầu tư, khai thác thế mạnh của nông nghiệp, góp phần tăng giá trị sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân.
Trên cơ sở Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và các cơ chế chính sách của T.Ư, của tỉnh tập trung vào mục tiêu chính như: Hoàn thiện quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 làm cơ sở, định hướng phát triển sản xuất cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, tập trung dồn điền, đổi thửa, thực hiện sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế vùng miền; tổ chức lại sản xuất gắn với cơ cấu lại lao động trong nông thôn; đưa cơ giới hóa, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất đối với những nông sản có giá trị kinh tế lớn; tập trung phát triển các sản phẩm sạch, thân thiện môi trường, nông nghiệp hữu cơ; triển khai hiệu qủa mô hình “liên kết bốn nhà” trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm…
P/v: Vậy tỉnh ta cần thực hiện những nhiệm vụ gì để đạt mục tiêu trên?
Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Trước hết, sẽ tập trung nguồn lực về đất đai, lao động, nguồn vốn, khoa học công nghệ, hạ tầng sản xuất để ưu tiên các sản phẩm mang tính đặc thù, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, chiếm tỷ trọng hàng hóa lớn, có lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu như cây cam, chè, dược liệu. Cụ thể: Cam Sành, diện tích kinh doanh đến 2020 là 5 nghìn ha, trong đó 70% diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP, giá trị sản xuất ước đạt 818 tỷ đồng. Sản xuất chè Shan tuyết, diện tích kinh doanh đến 2020 là 17 nghìn ha, trong đó 70% diện tích theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ; chú trọng khâu chế biến với công nghệ sạch, hiện đại, nâng sản lượng xuất khẩu chè khô đạt 4 nghìn tấn vào năm 2020.
Đồng thời, chú trọng phát triển chăn nuôi đại gia súc, trâu ở các huyện vùng thấp, bò ở các huyện vùng cao; tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này đạt bình quân 13%/năm; sản lượng trâu, bò hơi xuất chuồng trên 6 nghìn tấn/năm; giá trị sản xuất đạt 1.244 tỷ đồng. Xây dựng Chỉ dẫn địa lý và thương hiệu Bò vàng Hà Giang, thành lập HTX, doanh nghiệp theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tiến tới xuất khẩu sản phẩm thịt bò. Phát triển nghề nuôi ong lấy mật Bạc hà 4 huyện vùng phía Bắc thành sản đặc hữu của tỉnh, tiến tới xuất khẩu.
Bảo vệ tốt diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng hiện có; tăng nhanh diện tích rừng sản xuất trồng mới với các loại cây gỗ lớn năng suất cao trên 120 m3/ha; tăng giá trị lĩnh vực lâm nghiệp thông qua thúc đẩy công nghệ chế biến sâu; 100% diện tích rừng và đất lâm nghiệp đuợc giao, cho thuê, khoán bảo vệ để rừng và đất lâm nghiệp có chủ đích thực. Đến năm 2020, tăng năng suất rừng trồng mới lên 50% so với hiện tại; đưa giá trị xuất khẩu gỗ các loại đạt 20 triệu USD; thực hiện cấp Chứng chỉ rừng bền vững đạt 30 nghìn ha nhằm mục tiêu xuất khẩu gỗ đáp ứng thị trường và yêu cầu của thế giới. Trồng mới trên 13 loại dược liệu, với diện tích đến năm 2020 đạt trên 8.800 ha; tập trung vùng có lợi thế đó là 6 huyện 30a; trồng dược liệu dưới tán rừng, trồng tập trung kết hợp thu hái bền vững trong tự nhiên; giá trị ước đạt 555 tỷ đồng.
Hiện thực hóa những điều trên, tỉnh ta đã và đang đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế, tích cực triển khai hiệu quả các nội dung trong các văn bản ghi nhớ, thỏa thuận, biên bản, chương trình hợp tác đã ký kết với địa phương, các đối tác nước ngoài; nghiên cứu, đề xuất ký kết thỏa thuận hợp tác mới với một số tỉnh, thành phố, nhà đầu tư, doanh nghiệp của Trung Quốc về lĩnh vực nông nghiệp…
P/v: Vậy đâu là giải pháp để thực hiện tốt việc hội nhập kinh tế quốc tế ngành Nông nghiệp?
Đ/c Nguyễn Minh Tiến: Trước tiên, cần đẩy mạnh và mở rộng các hình thức hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách về tài chính – tín dụng như: Khuyến khích đầu tư, đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất theo chiều sâu; ưu tiên các lĩnh vực mũi nhọn, sản phẩm chủ lực, sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại, sản xuất các sản phẩm có hàm lượng “chất xám” cao. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái; áp dụng các tiến bộ khoa học vào khâu chọn lọc, cải tạo chất lượng đàn giống của địa phương và nhập nội; nhân rộng mô hình thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò. Hỗ trợ tư vấn và xây dựng thương hiệu, Chỉ dẫn địa lý cho 1 số sản phẩm nông nghiệp và doanh nghiệp. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học trong tuyển chọn và phục tráng các loại cây trồng, vật nuôi thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng; đẩy mạnh công nghệ sau thu hoạch, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông, lâm nghiệp. Triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, nghị quyết của tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết “4 nhà”; tổ chức và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại; nâng cao năng lực quản lý nhà nước, năng lực pháp chế trong lĩnh vực nông nghiệp.
Tập trung chỉ đạo nâng cao hệ số sử dụng đất canh tác lên trên 2 lần; giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng; tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư thuê đất. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ dân tự thỏa thuận trao đổi đất, dồn điền đổi thửa, tích tụ đất để tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Đẩy mạnh vận động, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo hình thức hợp tác công – tư; huy động xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư vào nông nghiệp thông qua các loại hình quỹ: Đầu tư có thu hồi – tái đầu tư, quỹ phát triển thôn, quỹ tín dụng…
Hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh giảm đầu mối; đẩy mạnh việc chuyển giao các hoạt động dịch vụ ngành Nông nghiệp và PTNT từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư mà pháp luật cho phép. Tập trung hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về tiêu chuẩn, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ yếu của tỉnh. Tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế; khuyến khích triển khai các chương trình hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học – công nghệ, đặc biệt công nghệ cao với nước ngoài; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài, người nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án nghiên cứu, đào tạo nhân lực của tỉnh; chú trọng hợp tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao…
P/v: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến!
Ý kiến bạn đọc