Mở rộng thị trường tiêu thụ cam Sành

08:46, 26/12/2018

BHG - Có 8 hợp đồng, biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm cam Sành được ký kết tại Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 – 2019 diễn ra tại Hà Nội (từ 19 - 25.12.2018). Tín hiệu vui này góp phần mở rộng cánh cửa thị trường tiêu thụ sản phẩm cam Sành, giúp người trồng cam yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

Các doanh nghiệp, HTX ký Biên bản tiêu thụ sản phẩm cam Sành
Các doanh nghiệp, HTX ký Biên bản tiêu thụ sản phẩm cam Sành

Tuần lễ quảng bá cam Sành Hà Giang, quýt Bắc Kạn đang diễn ra tại Hà Nội đã tạo nhiều ấn tượng tốt đẹp đối với người tiêu dùng Thủ đô. Rất đông doanh nghiệp, người dân đến tham quan, tìm hiểu, mua sản phẩm và đánh giá cao chất lượng, hương vị cam Sành.

Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) chia sẻ: Hàng năm, đơn vị tổ chức rất nhiều hội chợ, hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông đặc sản cho các địa phương. Có thể khẳng định, cam Sành Hà Giang là một trong những đặc sản được người tiêu dùng yêu chuộng nhất, có uy tín trên thị trường. Tỉnh Hà Giang cần tiếp tục có chính sách khuyến khích phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá để đông đảo người tiêu dùng được thưởng thức sản phẩm thơm, ngon này.

Người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội chọn mua cam Sành tại Tuần lễ quảng bá cam Sành Hà Giang.
Người tiêu dùng Thủ đô Hà Nội chọn mua cam Sành tại Tuần lễ quảng bá cam Sành Hà Giang.

Ở góc độ đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm, ông Lê Công Thành, Trưởng phòng Kinh doanh hệ thống siêu thị Hapromart, Hprofood (Hà Nội) đặc biệt quan tâm đến chất lượng, nguồn gốc sản phẩm. Ông Thành đi từng gian hàng, tìm hiểu kỹ quy trình sản xuất; sử dụng điện thoại thông minh kiểm tra tem điện tử truy xuất nguồn gốc từng loại đặc sản của Hà Giang. Ông Thành cho biết: Mặc dù nghe danh tiếng đã lâu, nhưng hiện tại, trong hệ thống siêu thị Hapromart, Hprofood chưa có sản phầm cam Sành Hà Giang. Qua hội nghị này, được trực tiếp nghe người dân địa phương trao đổi về quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và được thưởng thức những quả cam Sành thơm ngon, an toàn, tôi thực sự bị thuyết phục. Chúng tôi sẽ liên hệ với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất cam Sành Hà Giang để đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị.

Dừng tay chọn những quả cam chín vàng, chị Nguyễn Thị Thanh Lam, người tiêu dùng Thủ đô chia sẻ: Gia đình tôi thường xuyên sử dụng cam Sành Hà Giang, đây thực sự là một loại quả ngon, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người lợi dụng thương hiệu cam Sành Hà Giang để buôn bán các loại cam không rõ nguồn gốc; chúng tôi mong tỉnh Hà Giang có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, quản lý sản phẩm để người tiêu dùng yên tâm sử dụng.

Cam là một trong 5 cây, con chủ lực trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 – 2020. Những năm qua, cam Sành luôn được tỉnh quan tâm, có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển; diện tích, sản lượng, chất lượng không ngừng tăng qua từng năm. Toàn tỉnh hiện có trên 9 nghìn ha cam, trong đó có trên 5.100 ha cho sản phẩm; trên 3.500 ha được cấp Chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; năng suất đạt 119 tạ/ha; sản lượng trên 62 nghìn tấn. UBND tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý và sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Hà Giang” dùng cho sản phẩm cam Sành; chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, quản lý logo, tem Chỉ dẫn địa lý; kiên quyết  xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 cơ sở chế biến nước hoa quả và tinh dầu cam gồm: Nhà máy chế biến nước hoa quả công suất 190 nghìn lít/năm của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Dược Bảo Châu (Vị Xuyên); cơ sở chế biến tinh dầu cam công suất 2 tấn/ngày của Công ty TNHH MTV Việt Nhi (Bắc Quang) và cơ sở chế biến tinh dầu cam, cốt cam công suất 5 tấn/ngày của HTX Phú Vinh (Bắc Quang). Tuy nhiên, lượng tiêu thụ sản phẩm cam từ các cơ sở này không nhiều; phần lớn cam Sành phụ thuộc vào kênh tiêu thụ ngoại tỉnh; thị trường chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bán lẻ tại các cửa hàng hoa quả trong cả nước... nhưng bấp bênh, người nông dân luôn bị động, ép giá.

Đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Để nâng cao vị thế của cam Sành Hà Giang trên thị trường, ngoài việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm theo tiểu chuẩn VietGAP, hữu cơ; công tác quảng bá, giới thiệu, kết nối, tiêu thụ sản phẩm luôn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện bằng nhiều giải pháp: Chú trọng xây dựng thương hiệu, hỗ trợ tem điện tử truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì đóng gói sản phẩm; tăng cường quảng bá sản phẩm cam Sành Hà Giang trên các phương tiện truyền thông; kết nối doanh nghiệp, HTX sản xuất cam với nhiều đối tác trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại tại Hà Giang và các thành phố lớn; tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa do các tỉnh, thành phố lớn tổ chức. Tuần lễ quảng bá cam Sành Hà Giang và Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 – 2019 là cơ hội để các doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ sản phẩm và người tiêu dùng Thủ đô được tiếp cận, sử dụng sản phẩm cam Sành đảm bảo an toàn, chất lượng; tạo thị trường ổn định.

Chỉ trong 2 ngày đầu của Tuần lễ quảng bá cam Sành Hà Giang, HTX Sản xuất cam sạch Vĩnh Phúc (Bắc Quang) đã tiêu thụ gần 1 tấn cam Sành; lượng cam Sành tiêu thụ ở các gian hàng khác cùng tham gia trưng bày cũng rất lớn. Đây là tín hiệu vui cho thấy người dân Thủ đô rất yêu chuộng đặc sản cam Sành Hà Giang. Kỳ vọng, Hà Giang sẽ thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển ngành sơ chế, bảo quản và chế biến cam; nâng cao năng lực sản xuất, kiến thức, thông tin thị trường cho người dân; xây dựng mối liên kết thị trường bền vững giữa người trồng cam và doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ; mở ra cơ hội phát triển bền vững cho đặc sản cam Sành Hà Giang.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Thẩm định, xét công nhận xã Xín Mần (Xín Mần) và Lũng Cú (Đồng Văn) đạt chuẩn Nông thôn mới

BHG - Chiều 25.12, tại UBND tỉnh, Hội đồng thẩm định Nông thôn mới (NTM) tỉnh tổ chức thẩm định, xét công nhận đối với 2 xã Xín Mần (Xín Mần) và Lũng Cú (Đồng Văn) đạt chuẩn Nông thôn mới. Dự và chủ trì buổi họp có đồng chí Nguyễn Minh Tiến, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện sở, ngành thành viên Hội đồng thẩm định NTM mới tỉnh; lãnh đạo các huyện, xã được thẩm định NTM…

25/12/2018
Sở NN&PTNT triển khai nhiệm vụ năm 2019

BHG - Chiều 24.12, tại Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức (Vị Xuyên), Sở NN&PTNT tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019. Các đồng chí: Nguyễn Đức Vinh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở NN&PTNT; Phạm Thị Hà, Phó Giám đốc Sở chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị có đại diện các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở; Thường trực UBND và Phòng NN&PTNT các huyện, thành phố.

 

25/12/2018
Thông Nguyên nỗ lực giữ vững thành quả

BHG - Sau nhiều cố gắng, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn; năm 2015, xã Thông Nguyên đã hoàn thành 19/19 tiêu chí và trở thành xã đầu tiên của huyện Hoàng Su Phì cán đích Nông thôn mới (NTM). Hiện, cấp ủy, chính quyền xã đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; quyết tâm giữ vững thành quả NTM của địa phương. Trở lại Thông Nguyên sau hơn 3 năm xã được công nhận đạt chuẩn NTM, có thể dễ dàng nhận thấy sự đổi thay rõ nét trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây. 

25/12/2018
Nhiều việc làm thiết thực của phụ nữ huyện Bắc Mê

BHG - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM), thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Bắc Mê luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Bằng nhiều việc làm thiết thực đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên (HV) và nhân dân về tư duy phát triển kinh tế cũng như ý thức, vai trò, trách nhiệm trong tham gia xây dựng NTM. Xác định công tác tuyên truyền để nâng cao hiểu biết, nhận thức của HV, phụ nữ về xây dựng NTM; Hội LHPN huyện đã tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú...

25/12/2018