Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 - 2019
BHG - Ngày 20.12, tại Hà Nội, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội nghị kết nối, tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản Hà Giang niên vụ 2018 – 2019. Dự hội nghị có đồng chí Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Hà Giang và các huyện, thành phố.
Ký kết hợp đồng và Biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản tỉnh Hà Giang được các doanh nghiệp thu mua đầu mối và các doanh nghiệp, HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh. |
Hà Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển các sản phẩm nông sản đặc sản như: Cam Sành, chè Shan tuyết, dược liệu, mật ong Bạc Hà, hồng không hạt… trong đó, cam Sành được tỉnh xác định là cây kinh tế mũi nhọn và được đầu tư phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên. Cam Sành Hà Giang được trồng từ những năm 1980 và nổi tiếng ở miền Bắc Việt Nam vì có diện tích, sản lượng lớn; chất lượng ngon, mang hương vị riêng biệt, hấp dẫn và ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 9.000 ha cam, trong đó diện tích cho thu hoạch đạt trên 5.100 ha; có 3.527,6 ha cam Sành được cấp Giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; năng suất đạt 119 tạ/ha; sản lượng đạt trên 62.000 tấn. Năm 2016, sản phẩm cam Sành Hà Giang được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Những năm qua, tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển cam Sành; chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm; đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối, tiêu thụ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 3 cơ sở chế biến nước hoa quả và tinh dầu cam; thị trường cam Sành chủ yếu tại các siêu thị, chợ đầu mối, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và bán lẻ trong các cửa hàng hoa quả tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu sản phẩm cam Sành Hà Giang tại Hội nghị. |
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề: Hướng đi của Hà Giang trong xác định cây trồng chủ lực và phát triển đặc sản địa phương; vai trò việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong chiến lược phát triển nông sản bền vững; giải pháp xây dựng thương hiệu, uy tín và chất lượng sản phẩm; sử dụng tem VNPT check cho sản phẩm đặc trưng địa phương; ứng dụng thương mại điện tử trong quảng bá, xúc tiến, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa và phát triển thị trường.
Tại hội nghị, có 10 hợp đồng và Biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm cam Sành và các đặc sản tỉnh Hà Giang được các doanh nghiệp thu mua đầu mối và các doanh nghiệp, HTX sản xuất trên địa bàn tỉnh ký kết.
Tin, ảnh: BIỆN LUÂN
[links()]
Ý kiến bạn đọc