Hoàng Su Phì phát triển cây Thảo quả theo hướng thâm canh
BHG - Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020 xác định: Tập trung phát triển những loại cây trồng thế mạnh như: Cam, chè, dược liệu... Trong đó, cây Thảo quả là một trong những loại cây dược liệu chủ lực có điều kiện thuận lợi để phát triển và cho giá trị kinh tế cao; đóng góp tích cực vào việc nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Những năm qua, cây Thảo quả được phát triển mạnh ở huyện Hoàng Su Phì; nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc áp dụng kỹ thuật vào thâm canh cây Thảo quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì sẽ triển khai thí điểm mô hình trồng cây Thảo quả theo hướng thâm canh để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Cán bộ xã Tả Sử Choóng kiểm tra cây Thảo quả sau thu hoạch. |
Vụ Thảo quả năm nay, huyện Hoàng Su Phì có trên 2.000 ha; chiếm gần 1/5 tổng diện tích Thảo quả trên địa bàn tỉnh (diện tích đang cho thu hoạch là trên 1.200 ha). Với năng suất bình quân 7 tạ/ha, sản lượng ước đạt khoảng 840 tấn quả tươi; có thể khẳng định, cây Thảo quả đã đem lại nguồn thu nhập khá cao cho người dân địa phương. Diện tích Thảo quả ở Hoàng Su Phì chủ yếu tập trung ở các xã: Hồ Thầu, Nậm Ty, Túng Sán, Tả Sử Choóng, Nậm Khòa và Bản Péo...
Theo kinh nghiệm của các hộ có nhiều năm trồng Thảo quả: Trồng Thảo quả so với các loại cây trồng khác thì chi phí đầu tư không lớn, một năm chỉ phát tỉa 2 lần; chỉ đầu tư công chăm sóc, bảo vệ, vận chuyển và phơi sấy. Thảo quả trồng hạt phải 6 năm mới được thu hoạch, trồng bằng hom thì cho thu hoạch sớm hơn trong khoảng thời gian từ 3 – 5 năm. Tuy nhiên, cây Thảo quả ở địa phương đều được đa số người dân trồng theo kiểu truyền thống (trồng bằng hạt); việc đầu tư thâm canh và áp dụng các biện pháp kỹ thuật còn hạn chế. Do đó, năng suất và sản lượng thấp, giá trị thu hoạch trên một đơn vị diện tích không cao.
Ông Vàng Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sử Choóng, cho biết: Hiện, xã đang quản lý gần 220 ha Thảo quả, trong đó, 100 ha đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, năng suất giữa các diện tích lại không đồng đều; người dân chủ yếu trồng cây Thảo quả theo kinh nghiệm truyền thống nên hiệu quả kinh tế vẫn chưa tương xứng với công sức bỏ ra để trồng và chăm sóc. Ông Lù Seo Dình, thôn Chà Hồ, xã Tả Sử Choóng chia sẻ: Gia đình tôi hiện đang có 12 ha Thảo quả, chỉ thực hiện phát tỉa mỗi năm 2 lần và trồng dặm những cây bị già cỗi; trong vụ thu hoạch vừa qua, gia đình chỉ hái được 3 tấn Thảo quả tươi, bán cho thương lái với giá 30 nghìn đồng/kg; thu được 90 triệu đồng, tính trung bình ra chỉ đạt 7,5 triệu đồng/ha.
Từ những thực tế trên, đã, đang đặt ra cho ngành Nông nghiệp huyện là làm sao tìm được giải pháp để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng Thảo quả tại địa phương… Trong đó, giải pháp thâm canh cây Thảo quả dự kiến được ngành Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì thực hiện thí điểm ở các xã Túng Sán, Tả Sử Choóng và đang được kỳ vọng mang lại hiệu quả tích cực cho loại cây có giá trị kinh tế này. Theo đó, tại các xã Túng Sán và Tả Sử Choóng sẽ thực hiện mô hình thâm canh Thảo quả với diện tích ban đầu 4 ha. Trong đó, nhà nước hỗ trợ 100% phân bón NPK, với định mức 640 kg/ha; đồng thời cử cán bộ xuống cơ sở hỗ trợ về kỹ thuật chăm sóc thâm canh cây Thảo quả. Các hộ tham gia mô hình sẽ phải thực hiện phát dọn dây leo, cây bụi; xới cỏ xung quanh gốc và chặt bỏ cây Thảo quả già. Bên cạnh đó, người dân thực hiện bón phân theo định mức 0,4 kg/gốc chia làm hai lần: Lần một bón 0,2 kg/gốc vào tháng 11 sau khi thu hoạch để cây phục hồi; lần hai, bón 0,2 kg/gốc vào tháng 3 khi cây bắt đầu ra hoa để tăng cường dinh dưỡng cho cây và tăng tỷ lệ đậu quả.
Ông Lê Bá Hồng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì cho biết: Bên cạnh việc triển khai các mô hình trồng cây Thảo quả theo hướng thâm canh, chăm sóc cây theo đúng quy trình kỹ thuật, phòng trừ sâu bệnh hại… Phòng Nông nghiệp tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho cấp trên về quy hoạch vùng trồng Thảo quả; tăng cường quản lý nhà nước đối với cây Thảo quả dưới tán rừng; tránh xảy ra tình trạng các hộ trồng Thảo quả xâm phạm tài nguyên rừng...
Với những điều kiện thích hợp để phát triển và giá trị kinh tế cao, cây Thảo quả đã khẳng định được vai trò chủ lực trong cơ cấu nông – lâm nghiệp của huyện Hoàng Su phì. Bằng những cách làm chủ động, căn cứ vào tình hình thực tế, ngành Nông nghiệp Hoàng Su Phì đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng cây Thảo quả. Để từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, khuyến khích người dân tích cực tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.
Bài, ảnh: Đại Tâm
Ý kiến bạn đọc