Hiệu ứng tích cực từ chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hàng hóa
BHG - Những năm qua, với quyết tâm cao, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống; tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp, khai thác được tiềm năng, thế mạnh các cây, con trong Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh.
Trang trại chăn nuôi bò của gia đình anh Lò Xín Quân, xã Quyết Tiến (Quản Bạ) hình thành từ nguồn vốn ưu đãi theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh. |
Sau 3 năm thực hiện, Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh đã giúp khai thông nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đầu tư trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng của địa phương, nâng cao giá trị cam Sành, chè Shan tuyết, mật ong Bạc hà và sản phẩm từ thịt lợn, trâu, bò, gia cầm… Hơn hết, chính sách giúp người nông dân thay đổi nhận thức, dần xoá bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước; tạo điều kiện cho các địa phương đẩy nhanh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất tập trung; thực hiện chuyển dịch kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tính đến cuối tháng 11 vừa qua, tổng nguồn vốn giải ngân theo Nghị quyết 209 và 86 đạt trên 610 tỷ đồng, trên 7 nghìn hộ được vay. Trong đó, hỗ trợ mua giống trâu, bò trên 440 tỷ đồng; thâm canh vườn chè trên 7,2 tỷ đồng; thâm canh vườn cam gần 61 tỷ đồng; hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc gắn với xử lý chất thải trên 35 tỷ đồng; hỗ trợ nuôi ong trên 30,8 tỷ đồng; hỗ trợ nuôi lợn bằng giống địa phương 12,5 tỷ đồng và hỗ trợ gần 2 tỷ đồng cho các HTX vay vốn phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp…
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, với phần lớn dân số sống bằng nông nghiệp, các nghị quyết trên đã tác động mạnh tới đời sống người dân, góp phần chuyển biến tích cực sự phát triển KT – XH, chuyển đổi từ phương thức sản xuất nhỏ lẻ, mạnh mún sang sản xuất theo hướng tập trung, có liên kết. Đến nay, toàn tỉnh có 295 HTX, 1.212 Tổ hợp tác sản xuất thôn, bản với trên 9.700 thành viên; 887 Nhóm sở thích trồng trọt, chăn nuôi và 40 xã, 252 thôn điển hình phát triển kinh tế… Tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu ngành Nông nghiệp năm nay dự kiến đạt 32%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra; giải quyết việc làm mới cho 9.483 lao động nông thôn; thành lập được 56 Tổ sản xuất và 6 HTX sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng Chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam Sành, chè Shan tuyết; đồng thời quản lý sản phẩm theo tem điện tử truy xuất nguồn gốc để nâng cao giá trị, chất lượng và thương hiệu.
Mục tiêu của các chính sách là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế; xây dựng và phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất hàng hoá; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn; một số cơ chế, chính sách khi đưa vào thực tiễn gặp vướng mắc về thủ tục, chưa thực sự phù hợp; số lượng tổ chức, cá nhân tiếp cận chính sách còn ít… đã làm ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện, kết quả chưa được như kỳ vọng.
Từ thực tiễn đó, Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khoá XVII đã thông qua Nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá trên cơ sở rà soát, tích hợp những nội dung có hiệu quả, phù hợp của Nghị quyết 209 và 86 của HĐND tỉnh, loại bỏ các chính sách chưa phù hợp với thực tiễn. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng, đẩy nhanh tiến độ Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, động lực thúc đẩy phát triển KT - XH; từng bước nâng cao thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Bài, ảnh: DUY TUẤN
Ý kiến bạn đọc