Hiệu quả Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thôn Na Vang, xã Pờ Ly Ngài
BHG - Là một trong những địa phương được thụ hưởng đầu tư từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) của tỉnh, thời gian qua, xã Pờ Ly Ngài (Hoàng Su Phì) đã chú trọng thành lập các Nhóm cùng sở thích (CIG), vận động nhân dân thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, sang tập trung hàng hóa, qua đó nâng cao giá trị kinh tế cây trồng, vật nuôi, góp phần cải thiện đời sống và giảm nghèo hiệu quả. Trong đó, điển hình là Nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang.
Anh Cháng Văn Chỉ, thành viên Nhóm cùng sở thích chăn nuôi bò thôn Na Vang chăm sóc đàn gia súc của gia đình. |
Nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang được thành lập từ tháng 4.2016, có 15 thành viên. Trước khi thành lập nhóm, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, từ 1 – 3 con để lấy sức cày, kéo. Phương thức chăn nuôi chủ yếu là chăn thả tự nhiên, chuồng trại tạm bợ, không đủ giữ ấm cho đàn bò vào những ngày giá rét. Người dân chưa chú trọng đến việc phòng, chống dịch bệnh hay thụ tinh nhân tạo, cải thiện tầm vóc, thể trạng cho đàn bò; vì vậy đàn bò của địa phương có vóc dáng thấp bé, thể trạng yếu dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Từ khi thành lập, nhóm đã xây dựng nội quy hoạt động, bầu Ban Quản lý. Các thành viên được tiếp cận vốn vay mở rộng quy mô và được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh, làm chuồng trại đúng cách… Hàng tháng, các thành viên đều tổ chức họp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhóm thành lập quỹ cho vay quay vòng bằng nguồn vốn tài trợ của chương trình.
Anh Vàng Văn Thàng, Trưởng nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang cho biết: “Hiện nay, nhóm có 65 con bò, hộ ít có khoảng 3 con, hộ nuôi nhiều nhất 11 con. Có một số hộ thành viên mua bò về nuôi vỗ béo rồi bán lại nên số lượng đàn bò thường biến động. Ban quản lý nhóm thường xuyên tuyên truyền, vận động các thành viên chú trọng phòng, chống dịch bệnh cho đàn bò. Đồng thời, mở rộng diện tích trồng cỏ để đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi. Hiện, 100% các thành viên của nhóm đều chăn nuôi theo phương thức nuôi nhốt, mỗi hộ trồng từ 1 – 2 ha cỏ để chủ động nguồn thức ăn. Các hộ đã mạnh dạn mua giống bò lai có tầm vóc, thể trạng tốt về nuôi. Có 4 hộ phát triển thành trang trại chăn nuôi, thường xuyên có khoảng 10 con trong chuồng. Nhóm liên kết với nhau để mua con giống và bán bò thịt cho các thương lái và cơ sở giết mổ, vì thế chi phí giảm, thu nhập của các hộ thành viên được nâng lên rõ rệt”.
Anh Lù Tờ Thành, thành viên Nhóm CIG chăn nuôi bò thôn Na Vang chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nuôi 2 con bò để lấy sức cày, kéo và chủ yếu là thả lên rừng, có khi một tháng mới lùa về. Từ khi tham gia nhóm, được tiếp cận với nguồn vốn của Chương trình CPRP cộng thêm vốn của gia đình, tôi đã xây dựng chuồng trại kiên cố, mua thêm 5 con bò cái và trồng hơn 1 ha cỏ để làm thức ăn. Nhờ tiêm phòng đầy đủ và chăm sóc tốt nên đàn bò sinh trưởng, phát triển ổn định. Nếu bò nhà đẻ ra thì tôi nuôi từ 15-18 tháng rồi bán khoảng 15 triệu đồng/con. Nếu mua bò gầy khoảng 7-8 triệu về nuôi thì khoảng 4-6 tháng vỗ béo, tôi có thể bán trên 15 triệu đồng. Tính bình quân một năm lãi từ nuôi bò đem về cho gia đình khoảng 80 triệu đồng, nhờ đó mà tôi đã sửa được nhà, mua sắm vật dụng gia đình và chăm lo cho các con ăn học”.
Hiện nay, trên địa bàn xã Pờ Ly Ngài có 10 Nhóm CIG, chủ yếu là chăn nuôi bò, lợn đen, dê và trồng Thảo quả. Có thể khẳng định, việc thành lập các Nhóm CIG đã góp phần thay đổi tư duy trong sản xuất, chăn nuôi của đồng bào nơi đây; giúp các hộ được tiếp cận nguồn vốn và tiến bộ khoa học kỹ thuật, từng bước hướng đến sản xuất hàng hóa, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc