Xã Phong Quang đa dạng mô hình kinh tế
BHG - Sau 3 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với nhiều biện pháp chủ động, sáng tạo, xã Phong Quang (Vị Xuyên) đã phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Mô hình nuôi bò của gia đình Vàng Chỉn Thanh, thôn Lùng Châu cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. |
Trên địa bàn xã Phong Quang hiện có nhiều mô hình đang phát huy hiệu quả như: Mô hình trồng dưa Hấu, diện tích 40 ha, 278 hộ tham gia, tập trung ở các thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu; trồng dứa với diện tích trên 48 ha, năng suất 22 tấn/ha, tổng doanh thu đạt trên 3 tỷ đồng, tập trung ở 4 thôn Lùng Càng, Bản Mán, Lùng Châu, Lùng Pục; trồng na với diện tích trên 10 ha, 3,5 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt 2 tấn/ha; trồng Hồng không hạt, tổng diện tích 1,5 ha, 0,2 ha đang cho thu hoạch, năng suất đạt 20 tấn/ha, năm 2017 doanh thu đạt trên 100 triệu đồng; trồng Thanh long ruột đỏ; liên kết trồng mía; mô hình rau an toàn; nuôi lợn thịt tại thôn Lùng Càng, quy mô từ 50-500 con; mô hình nuôi bò của 4 hộ tại thôn Lùng Châu với 123 con, tổng doanh thu ước đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm... Các mô hình đều mang lại hiệu quả kinh tế và đang được xã Phong Quang nhân rộng.
Đến thăm mô hình trồng na và Hồng không hạt của gia đình anh Vù Văn Chính, thôn Lùng Pục, được anh chia sẻ: Khi mới bắt đầu xây dựng mô hình, do hiểu biết còn hạn chế nên gặp không ít khó khăn. Sau được cán bộ xã hướng dẫn, chia sẻ cách chăm sóc, phòng bệnh cho cây ăn quả; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các gia đình trong thôn nên vườn na 1.400 cây và 90 cây Hồng không hạt của gia đình phát triển tốt, có 800 cây na đã cho quả, mỗi năm cho thu nhập trên 100 triệu.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Toàn, Chủ tịch UBND xã Phong Quang cho biết: Để các mô hình phát triển, mang lại hiệu quả; cấp ủy, chính quyền đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện phong trào thi đua sản xuất; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) đến từng nhóm hộ; tạo cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển kinh tế... Nhờ vậy, nhiều hộ đã đổi mới tư duy, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi; xây dựng các mô hình trang trại, gia trại theo hướng đa canh, đa con. Tích cực ứng dụng KHKT vào chăn nuôi, sản xuất; góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc phát triển các mô hình kinh tế đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy liên kết, tiêu thụ sản phẩm một cách bền vững.
Trong thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về tái cơ cấu nông nghiệp; áp dụng KHKT, cơ giới hóa vào các khâu sản xuất; tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất; khuyến khích và hỗ trợ nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình...
Bài, ảnh: Vương Mai
Ý kiến bạn đọc