Tạo lợi thế trong việc đẩy nhanh quá trình hợp tác, giao lưu, phát triển toàn diện tỉnh Cao Bằng

10:48, 23/11/2018

Từ ngày 24 - 26/11/2018, Cao Bằng tổ chức “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018; Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch “Qua những miền di sản Việt Bắc”. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra Trung tâm điều hành Khu du lịch thác Bản Giốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra Trung tâm điều hành Khu du lịch thác Bản Giốc.

Cao Bằng có tiềm năng phát triển lĩnh vực nông, lâm nghiệp với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng là điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến nông sản thực phẩm. Tiềm năng phát triển công nghiệp, nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, trữ lượng khá lớn, khá đa dạng về chủng loại. Tiềm năng phát triển du lịch với những khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đặc biệt, vùng CVĐC Non nước Cao Bằng (gồm 9 huyện) có nhiều giá trị về địa chất, gồm: 130 điểm di sản địa chất độc đáo, trong đó có nhiều điểm được xếp hạng quốc tế, nhiều giá trị di sản văn hóa - lịch sử với 214 di tích, trong đó có 90 di tích đã được xếp hạng, bao gồm: 3 di tích Quốc gia đặc biệt: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó (Hà Quảng); Khu di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo (Nguyên Bình), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 (Thạch An) và 23 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 61 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Có 1 bảo vật Quốc gia là đôi chuông ở Chùa Viên Minh và Đền Quan Triều, xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng. Có văn hóa truyền thống dân gian, dân ca, dân vũ phong phú được lưu giữ bảo tồn từ nghìn năm và nhiều giá trị đa dạng sinh học khác. Với những giá trị đó, vào ngày 12/4/2018, UNESCO thông qua nghị quyết chính thức công nhận CVĐC Non nước Cao Bằng là CVĐC Toàn cầu UNESCO.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra tình hình cắm tuyến đường đấu nối mốc 834-1 tại xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).
Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh và đoàn công tác kiểm tra tình hình cắm tuyến đường đấu nối mốc 834-1 tại xóm Cô Muông, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh).

Cùng chung niềm vui này, chúng ta càng phấn khởi, tự hào hơn khi Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận Di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 tại huyện Thạch An là Di tích Quốc gia đặc biệt vào tháng 12/2017. Đây là di tích có giá trị đặc biệt quan trọng gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và sự trưởng thành, phát triển của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đây là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đồng thời góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hóa, lịch sử của tỉnh Cao Bằng.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh là dịp để Cao Bằng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về lĩnh vực thương mại và du lịch, nông lâm nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu, dịch vụ - thương mại; công bố các dự án ưu tiên mời gọi đầu tư, thông tin các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư của tỉnh đến các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đây cũng là dịp để các tổ chức, nhà đầu tư, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước gặp gỡ, trao đổi thông tin về môi trường đầu tư, liên kết hợp tác đầu tư, thống nhất các giải pháp phù hợp phục vụ thu hút, quyết định lựa chọn đầu tư vào tỉnh; tăng cường hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh của các doanh nghiệp và địa phương. Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng sẽ trao quyết định chủ trương đầu tư cho một số dự án đầu tư có quy mô lớn, trao thông báo tiếp cận, khảo sát, nghiên cứu đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư tại địa phương.
Chương trình du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc" năm 2018 lần này được tổ chức tại Cao Bằng với nhiều hoạt động phong phú, như: Tuần Văn hóa, Thể thao, Du lịch Non nước Cao Bằng; các hoạt động thể thao, ẩm thực, sản phẩm, hàng lưu niệm phục vụ khách du lịch 6 tỉnh vùng Việt Bắc; Triển lãm ảnh miền đất và con người Việt Bắc với chủ đề “Trải nghiệm Việt Bắc - Khám phá Non nước Cao Bằng”; Liên hoan biểu diễn văn nghệ dân gian và trình diễn trang phục dân tộc của 6 tỉnh Việt Bắc... Đây là cơ hội để Cao Bằng giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất và người Cao Bằng đến bạn bè trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, tham quan, trải nghiệm văn hóa và đầu tư thương mại, du lịch. Đồng thời, nhằm liên kết, hợp tác khai thác hợp lý các tài nguyên du lịch sẵn có ở 6 tỉnh Việt Bắc, từng bước nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để toàn bộ khu vực trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

Với việc tổ chức các sự kiện trên càng làm cho Cao Bằng thêm lợi thế trong việc đẩy nhanh quá trình hợp tác, giao lưu, phát triển toàn diện với các tỉnh Việt Bắc nói riêng, với cả nước và quốc tế nói chung. Để phát huy được những lợi thế đó, trong thời gian tới tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng sau: 

Một là, đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả. Mục tiêu từ nay đến năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân trên 4%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 25 triệu đồng, tăng gấp 1,7 lần so với 2015. 
Hai là, tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại Khu kinh tế cửa khẩu. Xúc tiến xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Trà Lĩnh (Việt Nam) - Long Bang (Trung Quốc). Điều chỉnh đầu tư tuyến đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng) sang giai đoạn 2018 - 2020. Đồng thời, sẽ phát huy các lợi thế, cơ hội, sự ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, nhà đầu tư chiến lược để triển khai thực hiện. 
Ba là, phấn đấu đến năm 2020, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Đến năm 2030, Cao Bằng sẽ có hệ thống vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là một trong những điểm đến hấp dẫn của khu vực phía Bắc và cả nước.
Bốn là, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, phát huy cao các nguồn nội lực, đồng thời tạo mọi điều kiện để tranh thủ khai thác các yếu tố, nguồn vốn từ bên ngoài, nhất là đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Khai thác hợp lý, tối ưu các nguồn vốn để phát triển. Thu hút đầu tư xây dựng và khai thác các khu du lịch có tiềm năng của tỉnh, bảo vệ cảnh quan vùng CVĐC Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nhằm tạo bước đột phá trong phát triển du lịch, hướng đến phát triển kinh tế - xã hội bền vững, vừa bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đồng thời sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên.
Năm là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội để phát triển kinh tế.

Theo baocaobang.vn


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tỉnh Cao Bằng: Sẵn sàng cho các sự kiện lớn

Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Cao Bằng năm 2018 được tổ chức vào ngày 25/11. Cùng với đó là Lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; Công bố di tích lịch sử địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An là Di tích quốc gia đặc biệt gắn với Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc tổ chức vào tối 24/11. Đến thời điểm này, các ngành, địa phương liên quan đã cơ bản hoàn thành những công việc được giao.

 

23/11/2018
Phát huy nội lực ở Bát Đại Sơn

BHG - Đời sống vật chất và tinh thần người dân xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) ngày càng được nâng cao, diện mạo nông thôn có nhiều thay đổi, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng khang trang… đã tạo nên điểm nhấn "bức tranh" quê hương vùng núi kỳ vĩ. Đó là những thành quả mà người dân xã Bát Đại Sơn đã và đang được hưởng nhờ sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nơi đây xây dựng nên. Xã Bát Đại Sơn cách trung tâm huyện 28 km về phía Đông Bắc, toàn xã có 9 thôn với 617 hộ, 3.279 khẩu, gồm 2 dân tộc sinh sống (dân tộc Mông chiếm hơn 80%, còn lại là dân tộc Dao). 

23/11/2018
Xã Xín Mần hoàn thành tiêu chí giảm nghèo

BHG - Tính đến thời điểm hiện tại, xã Xín Mần (Xín Mần) đã hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới (NTM); trong đó, xã đã thực hiện hoàn thành tiêu chí giảm nghèo và đang phấn đấu về đích trong năm 2018. Có được kết quả đó, là cả sự nỗ lực, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền và sự đoàn kết, đồng thuận cao của người dân. Xác định giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng NTM. Ngay sau khi có chủ trương của BTV, BCH Đảng bộ huyện lựa chọn xã Xín Mần đăng ký với tỉnh về đích NTM trong năm 2018...

23/11/2018
Đẩy mạnh phong trào thi đua "Quân đội chung tay xây dựng Nông thôn mới"

BHG - Phong trào thi đua "Quân đội chung tay xây dựng Nông thôn mới (NTM)" giai đoạn 2016 – 2020 là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân trên khu vực biên giới nói chung và địa bàn đơn vị quản lý nói riêng. Do đó, những năm qua, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Săm Pun (Mèo Vạc) đã tổ chức quán triệt chủ trương của phong trào thi đua, kêu gọi cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị tích cực tham gia ủng hộ sức người, sức của và đã có những kết quả đáng ghi nhận.

 

23/11/2018