Sử dụng tốt nguồn hỗ trợ CPRP trong chăn nuôi trâu ở Díu Thượng
BHG - Với sự hỗ trợ của Chương trình giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP), thời gian qua, Nhóm sở thích (NST) chăn nuôi trâu đã thu hút được nhiều hộ dân trên địa bàn thôn Díu Thượng, xã Bản Díu (Xín Mần) tham gia và mang lại hiệu ứng tích cực trong sản xuất, chăn nuôi của địa phương.
Chị Vàng Thị Liên, thôn Díu Thượng phát triển chăn nuôi từ nguồn hỗ trợ của Chương trình CPRP. |
NST chăn nuôi trâu thôn Díu Thượng được thành lập tháng 3.2017, gồm 10 thành viên, trong đó có 3 thành viên nữ. Qua trao đổi, ông Nông Văn Lý, Trưởng nhóm cho biết: Việc thành lập NST và sự hỗ trợ từ Chương trình CPRP giúp các hộ dân có thêm nguồn vốn mua con giống phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, NST còn tạo mối liên hệ với các công ty trong việc cung cấp trâu giống chất lượng để các thành viên lựa chọn được con giống tốt nhất. Khi tham gia vào NST, các thành viên có thêm cơ sở để thực hiện tốt việc tiêm phòng dịch, bệnh cho đàn trâu trước khi nuôi cũng như điều trị cho trâu bị mắc bệnh. Đặc biệt, thông qua các cuộc họp định kỳ 1 lần/tháng nhằm đánh giá tình hình hoạt động của nhóm; đồng thời tạo cơ hội để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi. Khi có những tình huống khẩn cấp như: Lũ lụt, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động,... nhóm sẽ tổ chức họp bất thường để đưa ra các quyết định. Một lợi ích khác nữa là, các thành viên sẽ đóng góp Quỹ của nhóm nhằm tạo nguồn vốn giúp nhau trong sản xuất, chăn nuôi; với 200 nghìn đồng/năm/thành viên và 100 nghìn đồng xây dựng Quỹ tín dụng của nhóm. Với số tiền Quỹ, nhóm cho các thành viên vay phát triển chăn nuôi và hỗ trợ các thành viên gặp rủi ro trong chăn nuôi.
Sau gần 2 năm đi vào hoạt động, NST chăn nuôi trâu thôn Díu Thượng đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực; hiện đàn trâu của nhóm có 32 con, tăng 17 con so với khi được thành lập. Các thành viên đã bán gần 10 con trâu, góp phần tăng thu nhập từ 8 triệu đồng/năm/hộ lên 13 triệu đồng/năm/hộ dân; có 4 hộ trong nhóm đã thoát nghèo, việc chăn nuôi theo hướng hàng hóa giúp tăng thu nhập công lao động gia đình từ 150 nghìn đồng/công lên 220 nghìn đồng/công. Chị Vàng Thị Liên, thành viên NST cho biết: Trước đây khi chưa tham gia nhóm, gia đình chỉ nuôi 1 con trâu và trồng ngô, lúa. Tuy nhiên, diện tích canh tác không nhiều nên kinh tế gia đình luôn gặp khó khăn. Sau khi được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình CPRP, gia đình đã mua thêm 3 con trâu giống. Từ đầu năm đến nay đã xuất bán được 2 con, giá trung bình 20 triệu/con. Hiện, gia đình duy trì nuôi 2 con trâu vỗ béo; với số tiền thu được từ bán trâu, gia đình dùng để hoàn trả nguồn vốn vay và một phần để trang trải cuộc sống.
Để mang lại hiệu quả thiết thực, Ban Quản lý Chương trình CPRP và NST chăn nuôi trâu thôn Díu Thượng đã tích cực vận động các thành viên mở rộng diện tích trồng cỏ để bảo đảm nguồn thức ăn xanh cho đàn trâu, với diện tích 2 ha; đồng thời xây dựng mối liên kết giữa các thành viên của nhóm trong hoạt động và nâng cao năng lực tổ chức, quản lý các hoạt động chung cũng như liên kết với các cá nhân, công ty, đơn vị cung cấp đầu vào cũng như tiêu thụ sản phẩm. Thường xuyên học hỏi nâng cao kỹ thuật chăn nuôi trâu vỗ béo, trồng cỏ thông qua các lớp tập huấn, tham quan giữa các thành viên.
Ngoài việc tăng tổng đàn trâu theo hướng sản xuất hàng hóa, các thành viên trong NST chăn nuôi trâu thôn Díu Thượng đang thực hiện chế biến sản phẩm thịt trâu gác bếp để cung cấp ra thị trường. Hiện tại, trên địa bàn xã Bản Díu có 7 NST chăn nuôi trâu; dự kiến trong thời gian tới Chương trình CPRP sẽ thành lập thêm 5 NST chăn nuôi trâu sinh sản và vỗ béo tại các thôn trên địa bàn xã.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc