Quản Bạ chủ động phòng, chống đói, rét cho gia súc
BHG - Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Quản Bạ thường xuyên phải gánh chịu những đợt rét đậm, rét hại, băng giá, sương muối. Chính vì vậy, huyện đã chủ động chỉ đạo các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc để bảo vệ “đầu cơ nghiệp” của người dân.
Ông Nguyên Xuân Bình, thôn Thanh Long (xã Thanh Vân) chăm sóc đàn trâu, bò của gia đình. |
Huyện Quản Bạ hiện có hơn 22.100 con gia súc, gồm 6.800 con trâu, 15.200 con bò, 470 con ngựa... Phần lớn các hộ đều chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, có chuồng trại chống chịu được mưa, gió và chống rét trong mùa Đông. Để chuẩn bị cho mùa Đông năm nay, UBND huyện đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc cùng nông dân phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc, hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do đói, rét gây ra. Trong đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể cấp xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho gia súc. Phát động phong trào dự trữ thức ăn cho gia súc, đồng thời hướng dẫn các thôn, hộ trên địa bàn ký cam kết thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc và “5 không” (không dấu dịch; không bán chạy gia súc bị bệnh; không vận chuyển gia súc bị bệnh; không ăn thịt gia súc ốm, chết; không vứt xác gia súc ốm chết ra môi trường xung quanh); làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, đảm bảo an toàn sinh học.
Xã Thanh Vân là địa phương có số lượng lớn gia súc và thường xuyên chịu ảnh hưởng của rét đậm, rét hại. Theo Chủ tịch UBND xã Giàng Mí Mua cho biết: “Rút kinh nghiệm từ những năm trước, xã đã phối hợp với cán bộ khuyến nông, lãnh đạo các thôn tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn người dân chăn nuôi từ đầu vụ rét như cách che chắn chuồng trại đảm bảo kín gió, sử dụng chăn hoặc áo cũ để ủ ấm cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Dự trữ đầy đủ thức ăn, chuẩn bị các loại thức ăn tinh bột để tăng cường chất dinh dưỡng và sức đề kháng cho gia súc. Đồng thời vận động nhân dân làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chống ẩm ướt trong mùa Đông; không chăn thả gia súc tự do và cho trâu, bò cày, bừa trong thời gian rét đậm, rét hại”. Ông Nguyên Xuân Bình, một hộ chăn nuôi ở thôn Thanh Long, cho biết: Chuẩn bị cho mùa Đông năm nay, người dân đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn ủ chua cỏ làm thức ăn cho gia súc, từng bước đưa men sinh học vào ngâm ủ thức ăn theo phương pháp mới, làm ấm thức ăn trước khi cho trâu, bò ăn. Nhờ áp dụng những kỹ thuật chăn nuôi này đã góp phần đảm bảo việc chăm sóc đàn gia súc trong mùa lạnh.
Không chỉ xã Thanh Vân, hiện phần lớn các hộ chăn nuôi trâu, bò trên địa bàn huyện đều có ý thức tích trữ rơm, rạ, trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc; người dân đã trồng được hơn 3.100 ha cỏ. Để chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, Trạm Khuyến nông, Thú y huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn cho các hộ chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật chăm sóc trâu, bò; các biện pháp chăm sóc, thu hoạch và chế biến thức ăn, che chắn, vệ sinh chuồng trại cho gia súc. Làm tốt công tác dự phòng các loại hóa chất, vôi bột, vắc xin… để chủ động ứng phó khi có dịch bệnh phát sinh.
Với sự chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho gia súc ngay từ đầu mùa Đông góp phần bảo vệ đàn gia súc của bà con không bị thiệt hại, góp phần thực hiện tốt chương trình phát triển đàn đại gia súc của huyện.
Bài, ảnh: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc