Nhân thêm thành công từ cộng tác công – tư
BHG - “Nếu không tham gia cộng tác công – tư (P-PC) từ Chương trình Giảm nghèo dựa trên phát triển hàng hóa (CPRP) thì việc sản xuất, kinh doanh chè Shan tuyết của gia đình khó có bước phát triển vượt bậc như bây giờ”, ông Nguyễn Đức Kim, thôn Chu Thượng, xã Tân Lập (Bắc Quang) không giấu được niềm vui.
Ông Nguyễn Đức Kim (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm hái chè với người dân xã Nậm Ty (Hoàng Su Phì). |
Bằng niềm đam mê, tình yêu và tâm huyết với cây chè Shan tuyết, ông Kim từng bước xây dựng thành công danh trà Shan tuyết Cổng trời 1 – sản phẩm được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) bảo hộ nhãn hiệu độc quyền. Không những vậy, năm 2016, danh trà Shan tuyết Cổng trời 1 vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh quyết định công nhận là 1 trong 8 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Để không ngừng nâng cao giá trị và danh tiếng danh trà Shan tuyết Cổng trời 1, ông Kim luôn đau đáu việc nâng cấp, mở rộng nhà xưởng, đầu tư phương tiện hiện đại phục vụ sản xuất, chế biến. “Nhưng do hạn chế về nguồn vốn nên gia đình khó biến ước mơ thành hiện thực”, ông Kim nhớ lại.
Đúng thời điểm cần vốn đầu tư kinh doanh, ông được cán bộ xã Tân Lập hướng dẫn tham gia P-PC để sản xuất chuỗi giá trị chè. Cuối năm 2016, tham gia P-PC, ông Kim được giải ngân nguồn vốn vay 406 triệu đồng; giúp ông từng bước hiện thực hóa việc nâng cao giá trị và danh tiếng chè Shan tuyết Cổng trời 1. Từ nguồn vốn vay, ông Kim đầu tư máy sao chè bằng gas, thay thế cách làm truyền thống; đầu tư máy vò, máy sàng tơi, hấp hương và xây dựng biển quảng bá sản phẩm… cùng với nguồn vốn từ P-PC, ông Kim thực hiện đối ứng tiền mặt và hiện vật trị giá trên 500 triệu đồng và mở rộng nhà xưởng lên 150 m2, đầu tư máy sào lăn i-nox, máy hút chân không, máy hàn bao bì sản phẩm…
Chị Phan Hồng Diệu, cán bộ chuyên trách Chương trình CPRP xã Tân Lập cho biết: “Đi liền với cải tiến phương tiện sản xuất, hiệu suất công việc của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Kim được cải thiện; tạo ra sản phẩm mới theo hướng gia tăng giá trị; mang lại lợi ích thiết thực cho người trồng chè và hộ kinh doanh”. Sau khi tham gia P-PC, có vốn đầu tư máy móc đã tạo nên sự thay đổi vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh chè của gia đình ông Kim. Trước đây, gia đình ông chỉ có thể sản xuất 0,4 - 0,5 tấn chè búp tươi/ngày, nay đã đạt 5 tấn chè búp tươi/ngày. Hơn nữa, thay vì cần đến 5 công nhân như trước, nay chỉ cần 2 công nhân/ca sản xuất. Đặc biệt, việc đầu tư máy hút chân không đã giúp sản phẩm chè Shan tuyết của gia đình ông tăng thời gian sử dụng, giữ được hương vị đặc trưng. Không dừng ở kết quả trên, ông Kim còn cần mẫn sáng tạo sản phẩm mới - chè Hồng Sâm cao cấp, có giá bán lên đến 1 triệu đồng/kg. Mỗi năm, gia đình xuất bán trên 1 tấn chè Hồng Sâm và gần 20 tấn chè khô, thu nhập không ngừng tăng.
Không chỉ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, ông Kim còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; ký hợp đồng thu mua sản phẩm với 17 hộ trồng chè thuộc Tổ hợp tác Sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP và Nhóm sở thích trồng chè tại xã Tân Lập; thu mua chè cho các hộ dân xã Tân Thành (Bắc Quang), Nậm Ty (Hoàng Su Phì)... Anh Phàn Chàn Phây, xã Nậm Ty cho biết: Trước kia, gia đình chỉ bán chè búp tươi với giá 5 – 7 nghìn đồng/kg, qua sự hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè của ông Kim, sản phẩm chè búp tươi của gia đình giờ có giá trên 15 nghìn đồng/kg; chè chất lượng cao còn được ông thu mua với giá 100 nghìn đồng/kg.
Thực tế cho thấy, việc tham gia P-PC đã tạo bước phát triển vượt bậc trong sản xuất, kinh doanh của gia đình ông Kim, mang lại hiệu ứng xã hội tích cực. Một yếu tố khác quan trọng không kém mà ông Kim chia sẻ khiến chúng tôi ấn tượng mãi: Tạo nên danh trà đã khó, giữ được uy tín trong lòng người thưởng trà còn khó gấp nhiều lần. Do vậy, uy tín sản phẩm gắn liền với trách nhiệm người sản xuất, cần được gìn giữ như chính danh dự của mình vậy!
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc