Người dân thôn Suôi Thầu đẩy mạnh phát triển cây gừng
BHG - Những năm qua, gừng đã trở thành cây trồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân thôn Suôi Thầu, thị trấn Cốc Pài (Xín Mần).
Lãnh đạo huyện Xín Mần và thị trấn Cốc Pài kiểm tra diện tích gừng trồng tại thôn Suôi Thầu. |
Chúng tôi đến Suôi Thầu vào một ngày cuối Thu, khi ánh nắng vẫn trải dài trên những thửa ruộng bậc thang óng ánh sắc vàng của lúa đang vào mùa thu hoạch. Trên những sườn đồi, hàng chục ha gừng cũng đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển mạnh. Nhiều năm trước, trên những mảnh đất không trồng được lúa, người dân nơi đây đã đưa cây gừng vào trồng để phục vụ cho gia đình; cây gừng rất phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây, nên được người dân ngày càng mở rộng diện tích và sản phẩm cũng từ đó tăng dần, trở thành mặt hàng nông sản được bán tại các phiên chợ, nhà hàng, quán ăn trên địa bàn... Hàng năm, sau mỗi vụ thu hoạch, bà con lựa chọn những cây có năng suất, chất lượng làm giống để trồng cho vụ tiếp theo. Cây gừng được người dân thôn Suôi Thầu trồng từ tháng 3 năm trước đến tháng 1 năm sau mới thu hoạch. Năm 2017, thôn Suôi Thầu có 30/58 hộ tham gia trồng gừng, với diện tích 20 ha, năng suất đạt 20 - 30 tấn/ha, với giá bán lẻ ra thị trường là 5 nghìn đồng/1kg; mỗi vụ, người dân thu về hơn 100 triệu đồng/ha. Ông Sùng Văn Sinh, hộ trồng gừng có diện tích lớn nhất ở Suôi Thầu cho biết: Ngoài trồng các loại cây lương thực phục vụ nhu cầu đời sống, gia đình có trồng 2,5 ha gừng để có thêm nguồn thu nhập; mỗi năm, gia đình ông có nguồn thu gần 200 triệu đồng từ trồng gừng.
Anh Trần Khải Hoàn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cốc Pài cho biết: Hiện tại, thị trấn có khoảng 32 ha gừng, để đảm bảo tiêu thụ nông sản cho người trồng gừng; đầu năm nay, thị trấn đã chủ động kết nối với Công ty Trách nhiệm xuất, nhập khẩu hoa quả ở thành phố Hà Nội và được lãnh đạo công ty lên khảo sát chất lượng của gừng. Qua đó, sẽ hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người dân. Anh Hoàn cũng cho biết thêm, sau khi khảo sát, công ty đánh giá cao việc người dân đã sản xuất theo hướng an toàn và sản phẩm khi được công ty thu mua sẽ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Việc liên kết với công ty để tiêu thụ sản phầm gừng cho người dân thành công, sẽ là bước ngoặt trong sản xuất nông nghiệp ở thị trấn Cốc Pài nói riêng và Xín Mần nói chung.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Minh Hiệu, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Cây gừng được đánh giá là rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu ở Xín Mần, để phát triển loại cây này, huyện đã và đang tích cực triển khai các biện pháp tìm kiếm, kết nối với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để bao tiêu sản phẩm cho người dân. Bên cạnh đó, mục tiêu của huyện đến năm 2020 sẽ duy trì diện tích gừng khoảng 200 ha và được trồng ở tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn. Ngoài ra, cùng với cây gừng, huyện sẽ tiến hành xây dựng sản phẩm cho cây nghệ tại các xã Bản Ngò, Chế Là và Tả Nhìu; nhằm đa dạng các sản phẩm nông nghiệp và từng bước giúp người dân tăng thêm thu nhập.
Bài, ảnh: Văn Long
Ý kiến bạn đọc