Mèo Vạc chủ động nguồn thức ăn cho gia súc vụ Đông – xuân
BHG - Những năm gần đây, nghề nuôi gia súc của huyện Mèo Vạc đã có bước phát triển nhanh, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi gia súc hàng hóa thì nó đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại thu nhập cao cho nhân dân địa phương.
Nhờ chuẩn bị tốt nguồn thức ăn nên đàn trâu của gia đình anh Vầy A Lâm, xã Nậm Ban (Mèo Vạc) luôn sinh trưởng tốt. |
Thực tế cho thấy chăn nuôi trâu bò chiếm hơn 70% thu nhập chủ yếu của đồng bào ở Mèo Vạc. Trong mỗi gia đình cũng đều có từ 1 đến 2 con trâu bò, hộ nhiều nhất có trên 10 con, không chỉ dùng để lấy sức kéo cày cấy mà còn để cung cấp thực phẩm cho thị trường các tỉnh vùng xuôi hoặc bán cho thương lái Trung Quốc. Số lượng trâu, bò của huyện Mèo Vạc ngày càng phát triển tăng lên theo từng năm. Năm 2017, tổng đàn gia súc đạt 83.624 con, trong đó trâu, bò chiếm 32.520 con; tính đến tháng 11 năm 2018, tổng đàn gia súc đạt 88.408 con, trong đó trâu, bò chiếm 34.454 con, tăng 1.934 con so với cùng kỳ năm trước.
Xác định chăn nuôi trâu bò là ngành kinh tế mũi nhọn, giúp nhân dân xoá đói giảm nghèo nhanh và bền vững; từng bước vươn lên làm giàu ngay trên chính quê hương mình; do đó, ngay từ đầu tháng 10.2018, UBND huyện Mèo Vạc đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện tham mưu ban hành kế hoạch triển khai phòng chống đói, rét và dự trữ thức ăn xanh cho đàn gia súc trong mùa Đông - xuân, trong đó tập trung hướng dẫn nhân dân che chắn chuồng trại và dự trữ thức ăn cho gia súc; thành lập Tổ chỉ đạo phòng chống đói, rét và dịch bệnh trên đàn gia súc tại các thôn. Phối hợp với Văn phòng Plan Hà Giang tổ chức tập huấn hướng dẫn nhân dân ủ chua cỏ theo cách cầm tay chỉ việc để chủ động nguồn thức ăn dự trữ trong thời điểm giá rét. Chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động chăm sóc tốt 4.987,5 ha cỏ chăn nuôi hiện có tương đương với 760.000 tấn cỏ và tích cực trồng thêm ngô dầy làm thức ăn bổ sung cho trâu bò. Huyện đã giao chỉ tiêu cụ thể cho 199 thôn, bản, tổ khu phố của 18 xã, thị trấn phải chuẩn bị dự trữ thức ăn thôn xanh (ủ chua, ủ rơm) đạt 60 tấn cỏ; thống kê các hộ chưa có chuồng trại để đề xuất huyện hỗ trợ làm chuồng trại và tổ chức cho các hộ dân ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho gia súc với UBND xã. Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu các xã hướng dẫn nhân dân chủ động dự trữ một lượng thức ăn tinh bột bổ sung như: Cám gạo, bột ngô, sắn,... đủ cung cấp cho trâu, bò trong những ngày rét đậm, rét hại. Theo đồng chí Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc: “Nhận thức được trâu, bò là tài sản có giá trị kinh tế cao và nguồn thu nhập chính của gia đình nên trong mấy năm gần đây, nhân dân đã chủ động hơn trong công tác phòng chống đói, rét cho gia súc và chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cỏ chăn nuôi theo Nghị quyết 07 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện”. Bên cạnh đó, các xã, thị trấn còn chủ động tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tiến hành tu sửa chuồng trại, sử dụng các vật dụng như bao tải, phên tre, nứa để che chắn chuồng trại tránh rét; tiếp tục tổ chức thực hiện mỗi thôn 1 mô hình dự trữ, chế biến từ 300 đến 500 kg cỏ trong mùa Đông. Đồng thời, huyện còn chỉ đạo tăng cường vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại để tránh phát sinh dịch bệnh. Triển khai công tác tiêm phòng vắc xin cho gia súc vụ Đông - xuân năm 2018-2019, nhằm tăng sức đề kháng phòng chống dịch bệnh cho gia súc. Ở các thôn Mèo Vống, Sủng Khể (xã Lũng Chinh), thôn Há Ía (xã Cán Chu Phìn), thôn Sảng Chải (xã Lũng Pù), nhiều hộ dân đã thực hiện rất tốt việc dự trữ và ủ chua thức ăn cho gia súc; bởi người dân nơi đây ngày càng nhận thức được giá trị to lớn của trâu bò trong phát triển kinh tế gia đình.
Từ cách làm chủ động trên, hy vọng đàn gia súc của huyện Mèo Vạc sẽ được bảo vệ, chăm sóc, sinh trưởng tốt, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bài, ảnh: Quỳnh Lưu
Ý kiến bạn đọc