Đồng Văn xây dựng thương hiệu gà xương đen Tả Lủng

09:32, 27/11/2018

BHG - Gà xương đen (còn được gọi là gà Mông), là giống gà quý hiếm được đồng bào dân tộc Mông nuôi thả quảng canh. Ở tỉnh ta, gà xương đen được nuôi nhiều nhất ở 4 huyện vùng cao: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc và trở thành đặc sản có tiếng cùng với nhiều món ăn khác, như  mèn mén, thắng cố,… thu hút du khách tìm và thưởng thức mỗi khi đến với Hà Giang.

Cán bộ xã Tả Lủng hướng dẫn gia đình anh Giàng Mí Pó kiểm tra bệnh cho đàn gà.
Cán bộ xã Tả Lủng hướng dẫn gia đình anh Giàng Mí Pó kiểm tra bệnh cho đàn gà.

Là huyện trọng điểm du lịch của tỉnh, Đồng Văn hướng đến xây dựng những sản phẩm du lịch đặc thù và từng bước phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng cao. Hiện, những mô hình nuôi gà xương đen trên địa bàn huyện Đồng văn nói chung và ở xã Tả Lủng nói riêng đã và đang tạo nên thương hiệu riêng cho ẩm thực Cao nguyên đá và nguồn thu nhập khá ổn định cho người dân.

Gà xương đen nổi tiếng nhờ giá trị dinh dưỡng cao, lượng mỡ rất ít, thịt dai chắc, thơm ngọt và được người dân coi như một vị thuốc dùng để bồi bổ cơ thể phụ nữ sau sinh, người ốm... Trên thị trường, hiện có rất hiều loại gà thương phẩm giống với gà xương đen nhưng đều lai tạp. Gà xương đen chính gốc có đầu, mào, chân 4 ngón, máu và nội tạng đen hoàn toàn. Gà nuôi khoảng hơn 5 tháng sẽ đạt trọng lượng khoảng 1,8 kg (đối với gà mái) đến 2,5 kg (đối với gà trống). Bên cạnh đó, nhờ có khả năng thích ứng tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng Cao nguyên đá (nhất là khả năng chịu rét) và chống chịu tốt với các loài dịch bệnh; nên cũng thuận lợi hơn trong khâu chăm sóc và tránh được những rủi ro.

Được sự giúp đỡ và định hướng của cán bộ xã, anh Giàng Mí Pó, thôn Há Chùa Lả, xã Tả Lủng là hộ đầu tiên nuôi gà xương đen với số lượng 500 con; anh Pó chia sẻ: “Từ xưa, trong thôn nhà nào cũng có ít nhất 1 – 2 đôi, hộ nuôi nhiều có khoảng 20 con gà Mông. Khi được cán bộ xã hướng dẫn việc nuôi gà xương đen theo chủ trương của huyện nhằm cung cấp nguồn sản phẩm sạch cho các nhà hàng trong và ngoài huyện, tôi đã vay vốn từ Nghị quyết số 86 của HĐND tỉnh để xây dựng chuồng và mua 500 con gà giống; đến nay, đã cho xuất bán lứa đầu tiên. Lợi nhuận từ nuôi gà xương đen cao hơn nhiều so với nuôi, trồng các cây, con khác”. Được biết, gà xương đen chủ yếu ăn ngô và rau xanh; để chủ động nguồn thức ăn, anh Pó còn nuôi thêm giun quế để cung cấp thức ăn cho đàn gà. Hiện, giá gà xương đen trên thị trường dao động từ 160 – 180 nghìn đồng/kg. Do có giá trị cao, nên đầu ra đối với gà xương đen luôn ổn định và cho thu nhập khá. Đối với quy mô nuôi từ trên 500 con như hộ anh Pó, mỗi năm trừ chi phí có thể thu lãi trên 100 triệu đồng.

Chủ tịch UBND xã Tả Lủng Vừ Thị Dính, cho biết: Tả Lủng cách trung tâm huyện Đồng Văn 5 km nên rất thuận lợi trong việc cung cấp sản phẩm cho các nhà hàng, khách sạn. Hiện, ngoài gia đình anh Pó, có nhiều chủ hộ là thanh niên khởi nghiệp được xã hỗ trợ nuôi gà xương đen, với quy mô vừa và nhỏ; Đoàn Thanh niên xã trực tiếp hỗ trợ cho mỗi hộ nuôi gà xương đen 5 triệu đồng để mua con giống. Xã có trách nhiệm phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở các lớp tập huấn, hướng dẫn cho người dân trong xã về kỹ thuật chăn nuôi và phòng bệnh... Đặc biệt, xã đang đẩy mạnh vận động người dân cao ý thức chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, cũng như phát triển và bảo tồn được giá trị của giống gà địa phương; đồng thời xây dựng thương hiệu gà xương đen Tả Lủng với giá trị cao về mọi mặt.

Được biết, Viện Chăn nuôi - Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã tiến hành nghiên cứu chọn lọc và lai gà xương đen với một số giống gà khác. Đối với mô hình nuôi gà xương đen tại xã Tả Lủng được huyện Đồng Văn lựa chọn chặt chẽ giống bố, mẹ để đảm bảo được nguyên bản, thuần chủng gà đen địa phương. Chia sẻ về vấn đề này, anh Dương Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Lủng, người có kinh nghiệm nhiều năm nuôi và nghiên cứu về gà xương đen, cho biết: Hiện, trên thị trường có rất nhiều loại gà thương phẩm gần giống với gà xương đen địa phương, như: Giống gà ác, gà rừng,… xong chỉ người có kinh nghiệm mới có thể nhận biết được; điều này sẽ rất khó trong khâu quản lý và bảo tồn giống. Vì vậy, việc xây dựng thương hiệu gà xương đen Tả Lủng sẽ giảm được tình trạng không rõ nguồn gốc đối với giống gà xương đen của địa phương; khách du lịch có thể yên tâm thưởng thức đúng đặc sản của địa phương khi tới Đồng Văn.

Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm địa phương có vai trò vô cùng quan trọng trong sự phát triển chung của một địa phương, nhất là trong ẩm thực và gà xương đen từ lâu đã là đặc sản của đồng bào Mông 4 huyện vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, để xây dựng thương hiệu và phát triển với quy mô lớn sẽ góp phần tạo thu nhập ổn định cho người dân và tạo sự bền vững trong phát triển du lịch của huyện nhà.

Bài, ảnh: My Ly


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018

BHG - Ngày 25.11, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, tỉnh Cao Bằng đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch Cao Bằng năm 2018 với chủ đề "Cao Bằng – Cơ hội đầu tư, phát triển bền vững". Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước; Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Lại Xuân Môn; các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh; lãnh đạo một số tỉnh, thành…  Đoàn đại biểu tỉnh Hà Giang do đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn.

 

26/11/2018
Tỉnh Cao Bằng nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch

Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế của địa phương. Để hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch đem lại hiệu quả, mỗi địa phương phải chú trọng tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi. Trong đó, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống nhân dân không ngừng được nâng lên, an ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư.

 

25/11/2018
Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn"

BHG - Nằm trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội hoa Tam giác Mạch lần thứ IV; chiều 24.11, tại huyện Đồng Văn, UBND huyện Đồng Văn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học "Giải pháp nâng cao giá trị sản phẩm mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn" năm 2018. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo  một số sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các Trung tâm, Viện nghiên cứu thuộc Cục Sở Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Nông nghiệp Việt Nam; đại diện các doanh nghiệp, HTX, hộ nuôi ong…

 

25/11/2018
Hội thi sản phẩm mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn

BHG - Sáng 24.11, tại sân khấu Phố Cổ Đồng Văn, UBND huyện Đồng Văn tổ chức Hội thi sản phẩm mật ong Bạc Hà Cao nguyên đá Đồng Văn năm 2018. Dự Hội thi có đồng chí Trần Đức Quý, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh; đại diện lãnh đạo các Trung tâm, Viện nghiên cứu thuộc Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam, Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, Viện Nông nghiệp Việt Nam…

24/11/2018