Để cam Sành Hà Giang có chỗ đứng tại thị trường Hà Nội
BHG - Cam Sành Hà Giang từ nhiều năm nay đã nổi tiếng cả nước bởi chất lượng đặc biệt: Mẫu quả đẹp, cam khi chín vàng óng, độ ngọt cao, hương vị thơm đặc trưng, là loại quả giải khát thuộc loại có múi đã được thị trường, người tiêu dùng cả nước ghi nhận và tôn vinh, tạo nên thương hiệu rất nổi tiếng - “Cam Sành Hà Giang”.
Người dân thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) thu hoạch cam Sành. Ảnh: Lê Lâm |
Tại thị trường Thủ đô Hà Nội, cam Sành Hà Giang đã có mặt tại nhiều siêu thị, cửa hàng, nhà hàng; đặc biệt tại các chợ đầu mối hoa quả, các gánh hàng hoa quả tại các tuyến phố nội, ngoại thành đều có cam bán ghi rõ “Cam Sành Hà Giang”. Tuy nhiên với người am hiểu, có kiến thức về cam Sành Hà Giang thì rất nhiều chỗ, nhiều nơi cam bày bán chỉ mượn tiếng cam Sành Hà Giang để dễ bán, dễ tiêu thụ sản phẩm nhưng thực chất không phải “Cam Sành Hà Giang”. Điều đó cho thấy cam Sành Hà Giang với chất lượng, mẫu mã đặc trưng đã tạo ra thương hiệu thực sự đối với thị trường và người mua tại Thủ đô Hà Nội. Thế nhưng sản lượng cam Sành Hà Giang được lưu thông tiêu thụ đến tay người tiêu dùng lại chưa nhiều; chưa có kênh thu mua, phân phối, tiêu thụ đồng bộ, thường xuyên từ Hà Giang về Hà Nội khi vào mùa cam chính vụ. Đây là một nội dung, yêu cầu rất cụ thể với công tác tuyên truyền, quảng bá và thiết lập hệ thống thu mua, tiêu thụ sản phẩm cam Sành giữa Hà Giang và Hà Nội.
Hiện nay tổng diện tích cam của Hà Giang có 8.700 ha, trong đó cam Sành là 6.729 ha, sản lượng đạt 62.000 tấn; trong đó cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap có 3.470 ha, sản lượng trên 35.000 tấn. Cây cam Sành hiện được tỉnh ưu tiên số 1 trong lĩnh vực trồng trọt, cây cam đã giúp cho rất nhiều hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu; nhiều thôn, xã vùng trồng cam thay da đổi thịt, cây cam chiếm hơn 10% giá trị của ngành nông nghiệp”. Để thực hiện được mục tiêu cam Sành Hà Giang có chỗ đứng thực sự tại thị trường Hà Nội, rất cần sự vào cuộc thực sự của cả hai đầu, nơi sản xuất - Hà Giang và nơi tiêu thụ - Hà Nội, ở một số nội dung sau:
Vườn cam Sành đến độ thu hoạch của gia đình anh Thào Seo Phà, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Phúc (Bắc Quang) |
Vận động và yêu cầu người trồng cam tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; trồng, chăm sóc, thu hoạch theo đúng quy trình VietGap đã được ngành chức năng hướng dẫn; thực hiện hiệu quả quy trình gắn tem, nhãn, Logo thương thiệu cam Sành Hà Giang để người tiêu thụ nhận diện, sử dụng đúng sản phẩm. Có chính sách hỗ trợ, thúc đẩy việc nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc bảo quản, chế biến, sử dụng thiết thực, phù hợp nhất cho quả cam Sành; xúc tiến các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu để cam Sành Hà Giang có sức lan tỏa tới Hà Nội và cả nước, từng bước hướng đến xuất khẩu.
Cần xác định và có mục tiêu, quyết tâm đưa quả cam Sành Hà Giang vào danh mục sản phẩm tiêu dùng thiết thực, phù hợp với người dân thủ đô; phối hợp cùng tỉnh Hà Giang trong việc xác nhận, phân biệt, nhận diện qua Chỉ dẫn địa lý và Logo, tem, nhãn, thương hiệu sản phẩm cam Sành Hà Giang. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các chợ đầu mối, cửa hàng, siêu thị thực hiện liên doanh, liên kết với Hà Giang trong việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ cam Sành Hà Giang; phối hợp, giúp đỡ Hà Giang trong hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Nếu chúng ta cùng làm tốt, có trách nhiệm thực sự trong việc thực hiện các nội dung cụ thể trên thì chắc chắn “Cam Sành Hà Giang” sẽ có chỗ đứng tại thị trường Hà Nội, sẽ là một mặt hàng nông sản có thương hiệu bền vững làm “cầu nối” vững chắc cho tỉnh vùng cao biên giới Hà Giang với Thủ đô Hà Nội.
LÊ TRỌNG
Ý kiến bạn đọc