Xã Đường Hồng huy động sức mạnh tập thể phát triển kinh tế
BHG - Nhằm khuyến khích người dân phát triển kinh tế và tổ chức lại sản xuất, Đảng bộ và chính quyền xã Đường Hồng (Bắc Mê) xác định phát triển kinh tế nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, chăn nuôi được cho là ngành kinh tế mũi nhọn. Xã đã phát động phong trào “Mỗi hội, đoàn thể một mô hình phát triển kinh tế”; qua đó, đã hình thành nhiều mô hình hay, hiệu quả; phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Anh Bàn Văn Líu với mô hình nuôi ếch của Hội Nông dân xã Đường Hồng. |
Đường Hồng cách trung tâm huyện Bắc Mê hơn 30 km, xã có 10 thôn, với 4.299 khẩu. Cuộc sống của người dân nơi đây chủ yếu dựa vào nương rẫy, nên cuộc sống đa phần vẫn còn nghèo. Nhằm tạo “đòn bẩy” và tổ chức lại sản xuất, đồng chí Bồn Văn Quốc, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Dựa trên chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, cùng những lợi thế sẵn có của địa phương; xã đã phát động phong trào “Mỗi đoàn thể một mô hình phát triển kinh tế”. Cán bộ xã hầu hết đều xuất thân từ làm nông và là những người có trình độ, tiếp thu và áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật; đặc biệt đều đã được đi tập huấn ở nhiều nơi… Từ những nền tảng đó, phong trào đã phát huy được hết lợi thế về cả con người và điều kiện thiên nhiên...”.
Theo đó, các hội, đoàn thể của xã sẽ khảo sát và cân đối nguồn vốn để đăng ký một mô hình, như: Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đăng ký mô hình trồng hơn 2 ha đậu xanh; Hội Nông dân với mô hình nuôi ếch; Đoàn Thanh niên nuôi 300 gà Sao và giun Quế; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc trồng 2,5 vạn cây dâu và nuôi tằm..., cùng với việc bỏ vốn, mua giống, xây dựng mô hình; các đơn vị còn vận động hội viên của mình cùng tham gia. Qua đó, phong trào đã mang đến lợi ích kép, vừa có thể truyền tải trực tiếp các kiến thức cho hội viên; thông qua hiệu qủa của các mô hình, người dân đã mạnh dạn áp dụng và từng bước nhân rộng.
Đến thăm mô hình nuôi ếch của Hội Nông dân xã, anh Bàn Văn Líu, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: “Qua phát động của xã, Hội đã khảo sát và đưa ra phương án xây dựng mô hình nuôi ếch, căn cứ vào tập tính của loài ếch như: Dễ chăm sóc, ít dịch bệnh và tận dụng được ao nuôi cá của gia đình; hiện, ếch thịt và ếch giống bán rất chạy, giá trị kinh tế lại cao. Hội đã triển khai nuôi thử nghiệm trên 3.000 con, với 10 lồng nuôi tại ao của gia đình anh Bồn Văn Đậu; sau 3 tháng nuôi, hiện ếch phát triển tốt và đã cho xuất bán...”.
Còn mô hình nuôi gà Sao của Đoàn Thanh niên xã, với số vốn đầu tư hơn 300 triệu; Ban Chấp hành Đoàn xã đã xây dựng chuồng trại và mua gà giống, giun giống về nuôi thử nghiệm tại hộ đoàn viên Bàn Văn Tiến, thôn Tân Tiến. Bước đầu cho thấy, mô hình rất phù hợp với điều kiện của địa phương, bên cạnh thức ăn sẵn có, thì giun quế cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu thức ăn cho đàn gà; hiện đàn gà phát triển khỏe mạnh, lớn nhanh và cho cân nặng từ 2 – 3 kg/con; chuẩn bị xuất bán ra thị trường.
Bằng việc huy động sức mạnh của tập thể, cùng làm và cùng rút kinh nghiệm…, đã giúp các mô hình khảo nghiệm tránh được những rủi ro... Từ kết quả bước đầu của những mô hình, tin rằng, phong trào “Mỗi đoàn thể một mô hình phát triển kinh tế” ở Đường Hồng cần sớm được nhân rộng.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc